VÀI SUY NGHĨ VỀ VĂN HÓA ĐỌC
LSO-Ngày xưa, trong những gia đình gia giáo, nề nếp con cháu trong gia đình thường được ông nội hoặc cha đọc gia huấn cho nghe. Đọc gia huấn là một tục lệ tốt nhằm khuyến khích con cháu rèn luyện thói quen chăm đọc sách báo từ khi còn nhỏ. Qua đây cho ta thấy, từ xưa ông cha ta đã rất chú ý đến sách báo, trọng cái chữ “Thánh hiền”. Sách báo là tài sản vô giá, là “khuôn vàng, thước ngọc”, là nguồn gốc của tri thức, của luân lý và đạo đức mà muốn trở Thành Người thì phải đọc, phải học.
![]() |
Người dân chọn và mua sách tại ngày hội sách và văn hóa đọc Lạng Sơn – Ảnh: MINH HỒNG |
Bất cứ người nào, gia đình nào, xã hội nào cũng cần đến sách báo vì sách báo là nền tảng của học vấn. Sách báo là món ăn tinh thần không thể thiếu của những người muốn mở rộng kiến thức. Từ các bậc cách mạng tiền bối như C.Mác, Ph.Ăng ghen, V.Lnin, Hồ Chí Minh… đến các vĩ nhân, các học giả, các nhà khoa học trên thế giới và trong nước đều rất ham đọc sách, coi sách là công cụ sắc bén, là người bạn tri kỷ, là phương tiện để nhận thức, tuyên truyền trên con đường hoạt động sáng tạo và cống hiến của mình. C.Mác đã từng nói: “Sách là nô lệ của tôi nhưng cũng là người thầy của tôi”. Có lẽ không có ai yêu sách lại không nhớ câu nói nổi tiếng của Lê-Nin: “không có sách thì không có tri thức. Không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Về vai trò, tầm quan trọng của sách, người Nga có câu: “Trường học cho tuổi trẻ, tủ sách cho cuộc đời”, với người Trung Quốc thì :”Ba đời đọc sách ắt có đại phu”. Với ca dao Việt Nam: “Yêu con sách chất đầy nhà/ghét con ra chợ mua quà cho con”.
Còn đối với Hải Thượng Lãn Ông, luôn tâm niệm: “Ở đời này có mấy ai đọc hết sách của thiên hạ. Đọc sách biết nghĩa là khó, tìm ra mà phân biệt được lý mới khó mà thấy được ở ngoài lý lại càng khó hơn. Bởi vậy, xem một câu tôi suy nghĩ ra trăm câu, thấy một việc tôi nghĩ ra trăm việc”. Có mấy người từng quan niệm rằng có ba người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời mỗi con người, đó là: Người thầy trực tiếp dạy ta, bạn bè xung quanh ta và sách báo.
Cách trau dồi kiến thức tốt nhất là đọc sách. Đọc sách để thỏa mãn lòng ham hiểu biết. Không có ai được coi là hiểu biết mà không đọc sách. Mọi người đọc sách không chỉ để giải trí làm phong phú tâm hồn mình, mà còn để vận dụng những giá trị văn hóa, trong đó phục vụ cuộc sống là vô cùng quan trọng.
Năm 2006, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chọn ngày 23/4 hàng năm là ngày Hội đọc sách của Việt Nam do Thư viện Quốc gia làm chủ trì “nhằm khuyến khích đưa phong trào đọc sách, báo trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam trong thời kỳ đất nước giao lưu, hội nhập quốc tế”.
Ngày nay là thời đại bùng nổ thông tin, văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh. Cửa hàng Internet mọc lên như nấm. Người ta tìm đến Internet để kiếm tìm thông tin cho nhanh sau một ngày bận bịu với công việc, song cũng không phải vì thế mà con người không cần đến sách báo vì sách báo là loại hình thức có sức truyền cảm vô cùng lớn lao, có sức cảm hóa con người và không bao giờ mất đi vị trí của nó.
Sách báo có mặt ở khắp mọi nơi. Từ biên giới tới những vùng hải đảo xa xôi, có những nơi chưa được phủ sóng công nghệ thông tin truyền thông thì sách báo vẫn có mặt. Có thể nói, sách báo làm bạn với chúng ta từ thuở ấu thơ cho đến lúc đầu bạc, răng long. Văn hóa đọc cần được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi và mỗi chúng ta hãy là người đọc thông thái, có văn hóa.
Mua sách báo chắc chắn không bao giờ đủ với những người yêu sách, ham sách báo cho nên mọi người vẫn tìm đến các thư viện để đọc và trao đổi sách báo.
Hệ thống thư viện cộng đồng cần được xã hội hóa, đa dạng mô hình tổ chức và hoạt động, tủ sách, thư viện tư nhân. Hệ thống thư viện cần được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, ngoài ra cần tăng cường ngân sách cho các thư viện, đào tạo đội ngũ cán bộ thư viện giỏi, nâng cao hiệu quả lao động của toàn mạng lưới để chăm lo, phát triển nhu cầu đọc cho mọi tầng lớp nhân dân.
Tóm lại, hãy tạo cho mình thói quen đọc và sưu tầm sách báo, hãy biết đam mê, yêu quý, trân trọng và giữ gìn sách báo như đứa con tinh thần của mình thì chắc rằng sách báo sẽ không phụ lòng người đọc.
TRƯƠNG THỌ

Ý kiến ()