Uy tín thương hiệu - yếu tố nâng cao sức cạnh tranh
Nhà máy Bia Hà Nội (nay là Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - HABECO) được xây dựng lại trên nền cũ của Nhà máy bia Hommel do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19.
Nhà máy Bia Hà Nội (nay là Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội – HABECO) được xây dựng lại trên nền cũ của Nhà máy bia Hommel do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19.
Ngày 15-8-1958, chai bia đầu tiên mang nhãn hiệu Trúc Bạch ra đời, đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành công nghiệp sản xuất bia Việt Nam. 55 năm qua, những sản phẩm đồ uống của HABECO vẫn tiếp tục hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước.
Cùng với tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước, để đứng vững và khẳng định mình trên thị trường trong nước và quốc tế, HABECO đã đề ra chiến lược giữ gìn, phát triển, mở rộng thương hiệu bằng nhiều giải pháp tích cực. Với triết lý kinh doanh “Uy tín với khách hàng là nền tảng của sự thịnh vượng”, Tổng công ty (TCT) đã triển khai đầu tư nhiều dự án đồng bộ để bảo đảm sự tăng trưởng vững chắc.
Năm 1993, Nhà máy Bia Hà Nội được chuyển đổi thành Công ty Bia Hà Nội. Ðây là bước chuyển quan trọng trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Công ty bước vào giai đoạn đầu tư mở rộng, đẩy mạnh quá trình đổi mới thiết bị, nâng công suất lên 50 triệu lít/năm. Năm 2001 tiếp tục nâng công suất lên 100 triệu lít/năm. Năm 2003, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội được thành lập trên cơ sở Công ty Bia Hà Nội và một số công ty thành viên, đơn vị sự nghiệp. Ðến năm 2008, TCT chuyển đổi mô hình hoạt động sang TCT cổ phần. Khi bắt đầu hoạt động mô hình TCT, HABECO mới chỉ có năm đơn vị thành viên với gần 2.000 lao động. Ðến nay, HABECO đã phát triển lớn mạnh. Ngoài công ty mẹ còn có 23 đơn vị thành viên, trong đó có 16 công ty con và bảy công ty liên kết, nằm rải rác ở khắp các tỉnh từ miền bắc đến miền trung với gần 5.000 lao động. 100% các công ty thành viên đều đã cổ phần hóa, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước khi cổ phần hóa, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Tổng Giám đốc HABECO Nguyễn Hồng Linh cho biết, mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu Bia Hà Nội trở thành một thương hiệu mạnh. Trong khi đó, máy móc thiết bị đã cũ, công nghệ lạc hậu khó có thể cạnh tranh và tồn tại trong cơ chế thị trường. Do đó, từ năm 1993, HABECO tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, đầu tư chiều sâu, nhằm nâng công suất sản lượng, tăng chất lượng sản phẩm, giảm hao phí trong sản xuất, tiết kiệm nhân công, tăng độ an toàn trong lao động, cải thiện điều kiện lao động. Trong đó, việc đầu tư phát triển mở rộng là cần thiết để di dời các khu vực sản xuất ra khỏi thành phố, đồng thời cũng để tháo gỡ các khó khăn cho nhiều công ty thành viên cũng như công ty liên kết trong sản xuất, kinh doanh, đem lại lợi nhuận, việc làm và đời sống người lao động. Nhờ vậy mà hiệu quả đầu tư trong thời gian này đã giúp năng lực sản xuất tăng từ 220 triệu lít bia năm 2004, đến năm 2006 đã đạt 320 triệu lít, năm 2008 đạt 365 triệu lít. Ðặc biệt, từ năm 2008 đến 2010, HABECO đã đầu tư 6.180 tỷ đồng để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2010, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy bia công suất 200 triệu lít/năm tại huyện Mê Linh (Hà Nội) hoàn thành với hệ thống thiết bị đồng bộ hiện đại, đã góp phần nâng sản lượng bia của HABECO lên 643 triệu lít năm 2012. Sau khi tiếp nhận và đầu tư mở rộng, đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay tổng công suất toàn hệ thống đạt hơn 800 triệu lít bia/năm; công suất sản xuất rượu cũng nâng lên gấp hai lần so với năm 2008, đạt 40 triệu lít/năm.
Những năm gần đây do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu có tác động mạnh và ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam, HABECO đã chủ động tháo gỡ khó khăn bằng biện pháp tập trung đầu tư cuốn chiếu dứt điểm các dự án trọng điểm nhằm rút ngắn thời gian thi công lắp đặt, sớm đưa dự án vào hoạt động tạo ra hiệu quả cho thu hồi vốn. Từ năm 2007 đến nay, sản lượng năng suất lao động tăng, chất lượng sản phẩm ổn định hơn, tiết kiệm được nhân công lao động, giảm hao phí nguyên liệu, nhiên liệu, môi trường cảnh quan, vệ sinh công nghiệp và điều kiện lao động ngày càng được cải thiện, hằng năm tiết kiệm được nhiều tỷ đồng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tăng. Thêm vào đó, các công trình đầu tư xong khi đưa vào sử dụng đều bảo đảm chất lượng, an toàn, thu hút nhiều lao động ở các địa phương vào làm việc tại các đơn vị thành viên, góp phần quan trọng cho việc hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ hằng năm và tăng thu ngân sách cho các địa phương.
Tổ chức lại hệ thống tiêu thụ là một giải pháp quan trọng phát triển thương hiệu HABECO. Năm 2000 trở về trước, thị trường tiêu thụ sản phẩm của HABECO tập trung tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Từ năm 2001 đến nay, TCT tổ chức lại phương thức bán hàng từ thủ công sang lập trình trên máy vi tính có nối mạng nội bộ, bán hàng không thu tiền trực tiếp mà chuyển khoản qua ngân hàng, việc bán hàng diễn ra nhanh gọn, chính xác và tiện lợi, tiết kiệm chi phí cho khách hàng. Thành lập ba công ty thương mại và mười chi nhánh, kho bán hàng ở các khu vực trọng điểm tiêu thụ. Ðồng thời TCT chủ động xây dựng chiến lược quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hỗ trợ kinh phí vận chuyển cho các đại lý, thay đổi bao bì chai, két, cải tiến mẫu mã nhãn mác, phát triển thêm sản phẩm mới. Hoạt động quảng cáo nhận diện thương hiệu HABECO và các sản phẩm được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với các sự kiện lễ hội bia Hà Nội hằng năm, các chương trình tài trợ lễ hội địa phương, TCT đã đạt được các kết quả nhất định trong việc thu hút sự chú ý của khách hàng, xây dựng thương hiệu HABECO và bia Hà Nội trong lòng khách hàng.
Nhờ những đổi mới về chính sách và biện pháp bán hàng, sản lượng tiêu thụ tăng nhanh. HABECO tập trung thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường và bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm, phấn đấu đưa thương hiệu bia Hà Nội chiếm lĩnh thị trường phía bắc và Bắc Trung Bộ. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong nước ưa thích và tham gia xuất khẩu, như bia chai Hà Nội Premium, rượu vodka 330 ml… Hiện nay, sản phẩm đồ uống của TCT đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và đã được xuất khẩu đến các thị trường châu Á, EU và châu Mỹ. Doanh thu bán hàng từ năm 2008 đến 2012 tăng bình quân 27,6%/năm.
Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Linh khẳng định: Ðể phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, thì sản phẩm đồ uống HABECO phải có ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, HABECO chú trọng việc hợp lý hóa sản xuất, giảm và tiết kiệm chi phí, phát huy sáng tạo, áp dụng công nghệ mới thân thiện môi trường. Chi phí bán hàng giảm qua từng năm, từ 12,4% năm 2005 xuống còn 9,7% năm 2006. Chi phí quản lý cũng giảm tương ứng, từ 4,98% xuống còn 4,53%. Năm 2011 đã tiết kiệm được từ 5 đến 8% chi phí điện, nước, chi phí văn phòng. Việc dự trữ nguyên vật liệu hợp lý tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Việc chọn thời điểm giá bán hạ để mua vật tư, nguyên liệu trong năm đã giảm được chi phí vào giá thành sản phẩm hàng trăm tỷ đồng…, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật không ngừng được đẩy mạnh. Có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn, tiết kiệm vật tư đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm lợi cho TCT nhiều tỷ đồng.
Mặc dù những năm gần đây giá nguyên liệu, nhiên liệu liên tục tăng cao, khiến chi phí đầu vào tăng nhưng với nhiều giải pháp tích cực, HABECO phấn đấu hạ giá thành sản phẩm, nhờ đó các sản phẩm của TCT luôn bảo đảm ổn định giá và đứng thứ hai trong nước về sản lượng tiêu thụ bia, tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động đều tăng xấp xỉ 30%. Ðể bảo đảm chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu, TCT tổ chức quản lý theo hệ thống chất lượng ISO 9001-2000, hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001:2004 và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo ISO 22000:2005…, góp phần quan trọng đem lại năng suất, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả. Bia Hà Nội trở thành một trong những thương hiệu mạnh của Việt Nam, luôn nằm trong top ba doanh nghiệp sản xuất bia có thị phần lớn nhất cả nước.
Phong trào thi đua lao động giỏi, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, khắc phục khó khăn tổ chức tăng ca, tăng kíp, được công nhân lao động hưởng ứng, mỗi người cùng góp phần tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Những cố gắng của tập thể người lao động tại HABECO nhằm nâng tầm thương hiệu đã được đáp đền xứng đáng: sản phẩm của TCT được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng cúp vàng chất lượng và vinh danh là Thương hiệu quốc gia, nhiều lần nhận danh hiệu “Sao Vàng Ðất Việt”, Giải cúp vàng Hội chợ Quốc tế tổ chức tại
Ma-đrít (Tây Ban Nha), cúp vàng châu Âu về chất lượng và uy tín thương mại tổ chức tại Bỉ, Giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2006 – giải thưởng uy tín hàng đầu tại khu vực… Mới đây, Ðảng, Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng nhì cho đội ngũ những người lao động HABECO.
Xây dựng HABECO thành một trong những TCT mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp đồ uống, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước, là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là vinh dự của TCT HABECO. Hiểu rõ điều này, hàng nghìn lao động HABECO đang nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của thương hiệu, doanh nghiệp và của chính mình.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()