Sáng 18-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã bắt đầu phiên họp thứ 27 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Đến dự có Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh và đại diện một số cơ quan hữu quan.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về sáu dự án Luật đã được QH khóa XII thảo luận tại kỳ họp thứ sáu vừa qua. Đó là các dự án: Luật Trọng tài thương mại, Luật Thi hành án hình sự, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật An toàn thực phẩm, Luật Bưu chính, Luật Người khuyết tật và xem xét, thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.
Sau khi khai mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo về sáu vấn đề lớn của dự thảo Luật Trọng tài thương mại, gồm: Phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại; tiêu chuẩn trọng tài viên, trọng tài có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ và tòa án hỗ trợ Hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ. Báo cáo đã nêu rõ những loại ý kiến còn khác nhau của các đại biểu QH đối với từng vấn đề cụ thể và ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH đối với từng vấn đề cụ thể đó. Thí dụ, về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại, qua thảo luận của đại biểu QH có ba loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1 của dự thảo Luật Trọng tài thương mại. Theo đó, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có liên quan hoạt động thương mại và tranh chấp giữa các bên phát sinh không từ hoạt động thương mại nhưng được quy định ở các luật khác.
Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án hai dự thảo Luật Trọng tài thương mại. Theo đó nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại giải quyết cả các tranh chấp liên quan quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự, trừ một số tranh chấp liên quan các quyền nhân thân, quan hệ hôn nhân và gia đình, thừa kế, phá sản, bất động sản.
Loại ý kiến thứ ba đề nghị chỉ nên quy định phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005.
Thường trực Ủy ban Tư pháp và cơ quan chủ trì soạn thảo tán thành loại ý kiến thứ nhất với các lý do sau đây: khái niệm “hoạt động thương mại” theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 có phạm vi tương đối rộng, đã khắc phục được hạn chế về phạm vi thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Ở nước ta, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chưa phổ biến và chưa được nhiều người biết đến. Thực tế qua hơn sáu năm thi hành Pháp lệnh này mới có bảy trung tâm trọng tài được thành lập, trong đó có ba trung tâm từ khi thành lập đến nay chưa giải quyết được vụ việc nào, số vụ việc được giải quyết bằng trọng tài mới có 280 vụ. Khả năng và uy tín chuyên môn của một số trọng tài viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo luật mẫu về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế thì phạm vi điều chỉnh cũng chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài giải quyết cả các tranh chấp về dân sự mà chỉ giới hạn thẩm quyền của trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và các trường hợp liên quan một bên có hoạt động thương mại, cũng như một số trường hợp được các luật khác quy định là phù hợp. Mặt khác, nếu chỉ giới hạn phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 thì sẽ không bảo đảm được tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Do đó cần thiết phải quy định các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật không phải là hoạt động thương mại nhưng được pháp luật khác quy định thì cũng được giải quyết bằng trọng tài, nếu các bên có thỏa thuận.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về sáu vấn đề lớn nói trên.
Phiên họp dự kiến làm việc đến hết ngày 19-1.
Ý kiến ()