Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính phủ đề xuất bổ sung 4 dự án luật
Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 28, sáng 18-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với đề nghị của Chính phủ bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Phiên họp được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình về đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đó là các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), theo tờ trình của Chính phủ, trong quá trình thi hành luật hiện hành, bên cạnh kết quả đạt được cũng đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập yêu cầu phải sửa đổi. Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy và thông qua tại Kỳ họp thứ tám, với 3 nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.
Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), bên cạnh những kết quả đạt được, sau 15 năm thi hành, luật hiện hành đã phát sinh một số bất cập và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận. |
Để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển công nghiệp hóa chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với sự phát triển của công nghiệp hóa chất, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy và thông qua tại Kỳ họp thứ tám.
Dự án được xây dựng với các nhóm chính sách: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm.
Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), luật hiện hành được Quốc hội thông qua năm 2008 và có hiệu lực thi hành năm 2009. Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, hồ sơ đề nghị xây dựng luật với các nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện quy định về cách tính thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình. |
Còn với dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung các nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu dao có tính sát thương cao; cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn trong giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng; cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất trang bị, sử dụng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi 4 luật nêu trên để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc sửa đổi Luật Hóa chất, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Phòng, chống mua bán người cũng là kết quả thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. |
Các chính sách được đề xuất trong các dự án luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Riêng với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám (lùi một kỳ so với đề nghị của Chính phủ) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, đánh giá tác động, bảo đảm chất lượng dự án luật.
Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ bảy theo quy trình tại một kỳ họp để sớm ban hành luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Quang cảnh phiên họp. |
Một số ý kiến đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy, thông qua tại Kỳ họp thứ tám hoặc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ tám theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội, vì theo chương trình đã được Quốc hội quyết định, tại Kỳ họp thứ bảy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã được giao chủ trì 5 dự án luật (bao gồm 4 dự án trình thông qua và 1 dự án trình cho ý kiến).
* Tại phiên thảo luận có 8 đại biểu phát biểu, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo giải trình làm rõ thêm các vấn đề được các đại biểu nêu ra.
Nhìn chung, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung 4 luật theo đề nghị của Chính phủ. Các đại biểu cơ bản tán thành với các nhóm chính sách Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung; cho rằng hồ sơ các dự án cơ bản bảo đảm đúng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tán thành bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với các nhóm chính sách Chính phủ đã trình.
Về tiến độ xem xét, thông qua, các đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tám với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tám, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ chín (lùi 1 kỳ so với đề nghị của Chính phủ).
Về dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các đại biểu thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tám. Trong quá trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ bảy, nếu đại biểu Quốc hội có sự thống nhất, đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp ngay tại kỳ họp này.
Nhấn mạnh rằng thời gian còn lại đến Kỳ họp thứ bảy rất ngắn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khi kết luận nội dung thảo luận này đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy khẩn trương hoàn thiện dự án luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 3, chậm nhất là tại Phiên họp thường kỳ tháng 4.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()