Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra sơ bộ một số dự án luật
Chiều 14/3, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị của Ban soạn thảo và cơ quan chuyên môn; khẳng định việc ban hành Luật là cần thiết; đồng thời yêu cầu Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan cần tham khảo, dẫn chiếu các cơ sở chính trị, pháp lý bảo đảm thuyết phục, phù hợp thực tiễn.
Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng của hồ sơ dự án Luật, bảo đảm thống nhất với các luật khác, tránh chồng chéo; đánh giá kỹ các tác động khách quan để khắc phục những bất cập trong thực tiễn… Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh một số thuật ngữ, câu chữ; đánh giá lại một số chức danh đề nghị thăng quân hàm để bảo đảm tương thích với các chức vụ tương đương khác; nghiên cứu kỹ về một số chức danh, cấp bậc cụ thể đề nghị kéo dài tuổi nghỉ hưu sao cho phù hợp thực tiễn công tác.
Đồng chí yêu cầu, sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp các cơ quan tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn thiện sớm dự thảo để trình các cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. |
* Trước đó sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự phiên họp Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Phát biểu tại phiên họp, đồng chí yêu cầu các cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, khách quan hồ sơ dự thảo Luật, nhất là đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực của Luật để từ đó đề ra các chính sách phù hợp, hiệu quả khi triển khai.
Tiếp tục rà soát các văn bản quy định chi tiết giao Chính phủ để tránh bỏ sót các nội dung; cố gắng công khai, luật hóa các vấn đề không liên quan đến yếu tố bí mật; nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng một số nội dung của Luật, nhất là vấn đề liên quan đến tác động về giới để bảo đảm đầy đủ hồ sơ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Đồng chí yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại phiên họp và bổ sung của các bộ, ngành, cơ quan, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 21 sắp tới.
Nguồn:https://nhandan.vn/uy-ban-quoc-phong-va-an-ninh-cua-quoc-hoi-tham-tra-so-bo-mot-so-du-an-luat-post742955.html
Ý kiến ()