Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số họp chuyên đề về phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực
– Ngày 30/8, Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức phiên họp chuyên đề với chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì phiên họp. Phiên họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 địa phương.
Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn, tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Để đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kinh tế số chiếm tối thiểu 20%, kinh tế số tăng trưởng gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP) là nhiệm vụ khó khăn, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại phiên họp
Tại phiên họp, các đại biểu thảo luận về các nội dung: kinh tế số với đầu vào là dữ liệu và công nghệ; phát triển kinh tế số với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy kinh tế số; hợp tác 4 bên để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia gồm bộ chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp và địa phương; cách tiếp cận hệ sinh thái; đo lường, giám sát trực tuyến; xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, xác định vai trò, vị trí pháp lý của các nền tảng số; thúc đẩy người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương; hình thành trung tâm dữ liệu lớn và trung tâm chuyển đổi số tại các vùng kinh tế trọng điểm…
Tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã tham luận với chủ đề: “Phát triển cửa khẩu số góp phần thúc đẩy kinh tế cửa khẩu”. Theo đó, nền tảng cửa khẩu số đã chính thức đi vào vận hành từ 21/2/2022. Đến nay, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Số phương tiện đã được xử lý trên nền tảng cửa khẩu số là hơn 369 nghìn phương tiện.
Việc triển khai thí điểm thành công nền tảng cửa khẩu số giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu; giúp minh bạch hóa, hạn chế các tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu; đảm bảo tính liên tục trong các hoạt động tại cửa khẩu, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua.
Trong chương trình phiên họp đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực của đời sống hiện nay. “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực” thảo luận tại phiên họp được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung. Đồng chí nhấn mạnh về vai trò của phát triển nguồn nhân lực số, cơ sở dữ liệu số, đổi mới sáng tạo số… và đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Ý kiến ()