Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về tiêu chuẩn, chức danh viên chức quản lý
Ngày 8/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”.
Tham dự phiên giải trình có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ Nội vụ, Y tế, Khoa học và Công nghệ; các thành viên của Ủy ban Pháp luật.
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cùng với quá trình phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến ổn định, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội thông qua việc hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp những dịch vụ cơ bản và thiết yếu phục vụ nhân dân.
Đến nay, hệ thống cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã được hình thành tại hầu hết các địa bàn và lĩnh vực; mạng lưới cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao trải rộng đến các vùng sâu, vùng xa, nông thôn, khó khăn, biên giới và hải đảo trên cả nước. Cùng với đó, đội ngũ viên chức cũng không ngừng lớn mạnh, năng lực, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng lên, giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong cung ứng dịch vụ công. Người dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ công có chất lượng ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc quản lý viên chức thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như sự thiếu thống nhất, việc chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định trong một số lĩnh vực trong quản lý viên chức đã gây tâm tư cho một số bộ phận viên chức, đặc biệt là viên chức trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho các cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, thực hiện Nghị quyết số 198 của Ủy ban Pháp luật về Chương trình giám sát năm 2022, Ủy ban thực hiện phiên giải trình về “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện, bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp” là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và thuộc một mảng quản lý Nhà nước lớn.
Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, thực hiện chủ trương phân cấp trong quản lý viên chức, một số nhiệm vụ được Chính phủ giao, từ năm 2012 đến nay, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 14 nghị định và ban hành 8 thông tư theo thẩm quyền để quy định chi tiết các nội dung liên quan đến quản lý viên chức theo chức danh nghề nghiệp liên quan đến tuyển dụng, thăng hạng, đánh giá, kỷ luật… viên chức. Bộ Nội vụ cũng phối hợp với các bộ, ngành ban hành 59 thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp của 216 hạng chức danh nghề nghiệp trong tổng số 70 chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc 12 lĩnh vực.
Bộ Nội vụ cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định. Việc phân cấp cho bộ, địa phương quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý giúp bộ, địa phương đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của đơn vị mình.
Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý, tuyển dụng viên chức mang tính chất tiêu chuẩn sàn. Việc bổ nhiệm, tuyển dụng viên chức nên giao cho các bộ, ngành, địa phương được quy định cao hơn để đáp ứng đòi hỏi thực tế từng địa bàn, không trái với tiêu chuẩn chung được xác định.
Các thành viên Ủy ban Pháp luật đã nêu nhiều câu hỏi về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý, việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trong đó, một số ý kiến lưu ý, cần có giải pháp để thống nhất quản lý tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị, vì có một số địa phương yêu cầu trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên với một số chức danh, có địa phương lại yêu cầu áp dụng với toàn bộ các chức danh. Tương tự, tiêu chuẩn bổ nhiệm viên chức quản lý không thống nhất giữa các địa phương gây băn khoăn trong các viên chức làm việc ở đơn vị sự nghiệp.
Một số thành viên của Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh, từ nghị định đến thông tư vẫn có dáng dấp quản lý viên chức như công chức, trong khi đó bước chuyển quan trọng nhất của Luật là từ quản lý theo ngạch sang chức danh nghề nghiệp. Qua khảo sát ở địa phương thì quy định này gây khó khăn cho cơ sở khi không đáp ứng được tiêu chuẩn. Thực tế này đòi hỏi Bộ Nội vụ và các bộ liên quan có văn bản hướng dẫn cho các địa phương thực hiện để thu hút, tuyển dụng được các viên chức có chất lượng cao cho đơn vị sự nghiệp, cũng như tránh tùy nghi trong áp dụng.
Giải trình các vấn đề nêu trên trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đội ngũ nhà giáo là nguồn lực quan trọng nhất của ngành để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nên “việc gì có thể nâng cao điều kiện công tác, chất lượng giáo dục thì Bộ đều không quản ngại thực hiện”. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời nghiên cứu, rà soát thực tế, qua đó bãi bỏ hiệu lực của một số quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện mới… Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cho các địa phương, đơn vị sự nghiệp.
Theo đó, khảo sát trên 500.000 ý kiến của giáo viên thuộc các nhóm, vùng miền khác nhau về việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan, thì đa số ý kiến đồng tình với phân hạng giáo viên.
Ý kiến ()