Ủy ban Kinh tế của QH họp mở rộng thẩm tra hai dự án luật
Ngày 11-4, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu chủ trì phiên họp.
Tờ trình Dự án Luật Doanh nghiệp (DN) (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho thấy, sau chín năm thực thi Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có tác động tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, sau thời gian đi vào thực tiễn, nổi lên ít nhất bốn nhóm hạn chế như: nội dung một số điều khoản chưa rõ ràng và cụ thể, dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau, từ đó tạo sự thiếu nhất quán, chưa công bằng khi áp dụng pháp luật; một số điều luật thiếu tính khả thi, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp phải làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Việc sửa đổi lần này nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập DN…
* Chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN. Về sự cần thiết ban hành Dự án luật, đa số các đại biểu tán thành Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN nhằm khắc phục các hạn chế phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN trong thời gian qua; đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước đối với DN nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao, phân định vai trò quản lý nhà nước; phù hợp với quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ với các luật có liên quan; bảo đảm đồng bộ pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Về phạm vi điều chỉnh, đa số các đại biểu tán thành quy định trong Dự án Luật… Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về một số nội dung khác như: Quy định rõ các cấp thực hiện giám sát, lộ trình giám sát, lĩnh vực giám sát, vai trò của QH, Chính phủ, địa phương trong lĩnh vực này; vấn đề thoái vốn, quản lý vốn, đối tượng áp dụng Dự án Luật.
Theo Nhandan
Ý kiến ()