Ủy ban của Hạ viện Mỹ điều trần về quan hệ Mỹ-Việt
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chiều 5/6, Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã tổ chức cuộc điều trần về quan hệ Mỹ-Việt.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chiều 5/6, Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ đã tổ chức cuộc điều trần về quan hệ Mỹ-Việt.
Hai quan chức tham gia điều trần là Quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Joseph Yun và Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Daniel Baer.
Cuộc điều trần do hạ nghị sỹ Steven Chabot, Chủ tịch Tiểu ban về Trung Đông và Nam Á chủ trì với sự tham gia của một số hạ nghị sỹ khác.
Phát biểu trong cuộc điều trần, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Joseph Yun khẳng định quan hệ song phương Mỹ-Việt Nam đang trở thành quan hệ đối tác ngày càng quan trọng. Mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở hai bên có chung lợi ích trong một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng.
Ông Joseph Yun đặc biệt nhấn mạnh kết quả hợp tác về kinh tế và thương mại trong 18 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ, với kim ngạch buôn bán hai chiều hiện đã tăng lên mức 25 tỷ USD mỗi năm và Mỹ đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam hơn 10 tỷ USD. Trọng tâm chương trình hợp tác kinh tế của Mỹ với Việt Nam hiện nay là thúc đẩy thành lập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giúp hai nước mở rộng thị trường cho hàng hóa của nhau.
Cũng theo ông Joseph Yun, sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong các vấn đề khu vực ngày càng sâu sắc hơn. Kể từ khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã củng cố vị thế là một quốc gia lãnh đạo của khu vực.
Hai nước cũng đã hợp tác với nhau trong khuôn khổ ASEAN và các tổ chức khác của khu vực nhằm khuyến khích các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng mà Đông Nam Á đang phải đối mặt, như an ninh hàng hải, viện trợ nhân đạo và cứu nạn.
Mỹ ủng hộ nỗ lực của Việt Nam và các nước ASEAN thương lượng với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); giải quyết các bất đồng thông qua con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Mỹ cho rằng sự thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á được xây dựng trên cơ sở tiếp tục duy trì ổn định, nhất là ở Biển Đông. Mỹ ủng hộ các nỗ lực xử lý mâu thuẫn không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Ngoài ra, Mỹ và Việt Nam cũng đang hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực Tiểu vùng sông Mekong thông qua chương trình “Sáng kiến Hạ nguồn Mekong” (LMI).
Hai quốc gia cũng đang hợp tác ngày càng chặt chẽ với nhau trong các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu. Mỹ và Việt Nam có chung mối quan tâm trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á nói riêng, châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Mỹ đánh giá cao cam kết của Việt Nam không phổ biến hạt nhân.
Do Việt Nam nằm án ngữ nhiều tuyến hàng hải quan trọng, nên Mỹ đang hợp tác với Việt Nam tăng cường nhận thức về an ninh hàng hải, chống buôn bán ma túy và cướp biển…Hai nước cũng đang gia tăng trao đổi các đoàn quân sự, tổ chức các chương trình huấn luyện chung trong việc tìm kiếm và cứu nạn. Mỹ hoan nghênh chủ trương của Việt Nam triển khai quân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014.
Ông Joseph Yun cũng điểm lại những kết quả hợp tác giữa hai nước trong vấn đề POW/MIA. Mỹ cũng đã cam kết giúp Việt Nam xử lý vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, tẩy rửa chất độc da cam ở một số nơi trên lãnh thổ Việt Nam.
Hợp tác giáo dục và giao lưu văn hóa cũng là một lĩnh vực được hai bên quan tâm. Hiện có hơn 15.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ, đưa Việt Nam thành nước có số sinh viên theo học đông thứ 8 ở Mỹ.
Đây là một sự thay đổi ngoạn mục so với năm 1995 khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Thời điểm đó mới chỉ có khoảng 800 sinh viên Việt Nam theo học các chương trình ở Mỹ. Mỹ cũng hoan nghênh các cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam.
Ông Joseph Yun cũng ghi nhận vai trò quan trọng của cộng đồng người Việt ở Mỹ đối với sự phát triển của Việt Nam, cũng như đối với quan hệ Mỹ-Việt.
Trong lúc các hạ nghị sỹ như Chris Smith, Dana Rohrabacher và một vài hạ nghị sỹ khác liên tục chất vấn về cái gọi là “hồ sơ nhân quyền của Việt Nam,” phát biểu trong cuộc điều trần, hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega nhấn mạnh tới những hậu quả chiến tranh vẫn còn rất nặng nề ở Việt Nam, nhất là chất độc da cam và khối lượng lớn bom mìn bỏ lại sau chiến tranh.
Ông Eni Faleomavaega hối thúc Chính phủ và Quốc hội Mỹ phải có một phần trách nhiệm trong việc giúp Việt Nam xử lý những hậu quả này./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()