Ưu tiên xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản
Chiều 10-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020.
Về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, báo cáo của Chính phủ nêu nhiều ý kiến đề nghị chọn phương án Chương trình 135 và các xã bãi ngang ven biển và hải đảo tính theo định mức 1,5 tỷ đồng/xã, 300 triệu đồng/thôn để tạo điều kiện giúp các xã này phát triển. Đối với vốn đầu tư hỗ trợ tại 30 huyện nghèo, đề nghị bố trí cho cả giai đoạn 2016- 2020, chứ không bố trí đến năm 2016 và năm 2018 như dự thảo…
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ, đa số ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành. Quyết định 60/2010/QĐ-TTg chưa cụ thể hóa được hết phạm vi ngành, lĩnh vực cần hỗ trợ đầu tư; các chương trình hỗ trợ có mục tiêu còn phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp; việc ổn định tỷ lệ điều tiết thu ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách đã làm gia tăng sự chênh lệch giàu- nghèo giữa các vùng, các địa phương…
Về thứ tự ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước (NSNN) trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình của các bộ, ngành và địa phương, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đề nghị ưu tiên đầu tiên là xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn đã ứng trước.
Theo báo cáo thẩm tra, nợ đọng lĩnh vực này và vốn ứng trước khá cao đang rất phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Thực tế cho thấy, việc thực hiện Luật Đầu tư công và Luật NSNN đòi hỏi phải xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nhiều đại biểu tán thành ưu tiên thứ hai là bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong nhưng ngành, lĩnh vực có dự án PPP; bố trí vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA. Theo Ủy ban Tài chính và Ngân sách, đây là những nguồn vốn đối ứng có thể huy động vốn tối đa và có hiệu quả của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Về tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương, đa số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh phương pháp tính tăng điểm cho một số tiêu chí thể hiện lợi thế của các địa phương nghèo, khó khăn và bỏ một số tiêu chí phụ như thành phố trực thuộc trung ương, vùng kinh tế trọng điểm… đã khắc phục được những bất hợp lý.
Cuối chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thống kê (sửa đổi).
* Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình mục tiêu, đã rà soát giảm mạnh số lượng chương trình. Theo đó, đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm từ 16 xuống còn hai chương trình; đối với chương trình mục tiêu giảm từ 63 xuống còn 21 chương trình.
* Theo tiêu chi mới, vốn đầu tư năm 2016 so với năm 2015 của vùng miền núi phía bắc tăng 2,1 lần; vùng bắc trung bộ và duyên hải miền trung tăng 51%; vùng Tây Nguyên tăng 70%; vùng đ ồng bằng sông Cửu Long tăng 63,4%.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()