Ưu tiên vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn
Xác định rõ vai trò nòng cốt của “tam nông”, ngành ngân hàng thời gian qua đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đơn giản thủ tục cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân.
Trong 10 năm trở lại đây, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho lĩnh vực “tam nông” đã được ban hành như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ, sau được thay thế bằng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và đến năm 2018 được sửa đổi bằng Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các nghị định này quy định rất chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về mặt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào.
Có thể nói, “tam nông” vẫn luôn là lĩnh vực được ngành ngân hàng dành sự hỗ trợ tối đa. Tại nhiều địa phương trong cả nước, nguồn vốn tín dụng “tam nông” đang giúp kinh tế khu vực nông thôn “thay da, đổi thịt” từng ngày. Gia đình bà Đỗ Thị Thanh (xã Cam Bình, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), cũng giống như nhiều hộ nuôi trồng thủy sản khác trên đảo Bình Ba Tây, đã tìm đến nguồn vốn vay ngân hàng để nuôi tôm hùm xanh, cải thiện kinh tế gia đình.
Với số vốn gần 300 triệu đồng vay từ Ngân hàng LienVietPostBank, gia đình bà đã đầu tư ban đầu 10 lồng tôm hùm xanh. Sau hai năm, từ hộ cận nghèo, gia đình bà đã thoát nghèo, kinh tế ổn định, xây được nhà mới khang trang. Tương tự, hộ gia đình bà Lương Thị Thiết (xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) là một khách hàng truyền thống của Ngân hàng Agribank. Trong suốt quá trình kinh doanh, gia đình bà luôn được Agribank cấp tín dụng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu vay vốn.
Hiện dư nợ vay của gia đình bà tại Agribank chi nhánh Nam Thanh Hóa là 17 tỷ đồng. Sau khi được UBND xã giao thầu 17ha đất vào năm 2016, từ nguồn vốn tự có, cùng nguồn vốn tín dụng của Agribank, gia đình bà đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi trồng hải sản. Trải qua thời gian dài kiên trì bám trụ với vùng đất ven biển, đến nay hoạt động sản xuất của gia đình bà đã và đang phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 30 lao động địa phương; doanh thu hằng năm đạt từ 47 tỷ đồng trở lên, lợi nhuận hằng năm ít nhất là 2,5 tỷ đồng.
Một số ngân hàng trong nước như Agribank, VietinBank, LienVietPostBank,… đã và đang dành một nguồn lực lớn khai thác mảng tín dụng nông nghiệp, trở thành những đơn vị đi đầu trong hoạt động cung ứng vốn cho lĩnh vực này tại Việt Nam. Đây cũng là mảng nghiệp vụ giúp nhiều ngân hàng củng cố nguồn thu ổn định và có sức chống chịu rủi ro cao.
Số liệu thống kê từ LienVietPostBank cho thấy, trong năm 2021, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của LienVietPostBank đạt mức tăng trưởng 35% so năm 2020, chiếm 36% tỷ trọng cơ cấu cho vay. Tỷ lệ nợ xấu của khu vực này cũng được ghi nhận ở mức rất thấp.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm. Đến ngày 20/5, dư nợ tín dụng của hệ thống đã đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so cuối năm 2021; trong đó riêng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 14,88% so với cuối năm 2020 và chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế. Đến hết quý I/2022, dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 857 nghìn tỷ đồng, tăng 3,96% so cuối năm 2021.
Bên cạnh việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hệ thống ngân hàng cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đặc thù và cho vay để phát triển bền vững nông nghiệp, các mặt hàng nông sản chủ lực như đóng tàu phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ, giảm tổn thất trong nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tái canh cà-phê, hỗ trợ sản xuất, thu mua chế biến lúa gạo, thủy sản, rau quả;…
Đồng thời, hệ thống ngân hàng có chính sách trần lãi suất ngắn hạn bằng VND áp dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước về diễn biến thị trường lãi suất cho vay trong tháng 3 vừa qua, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4,5%/năm.
Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có hơn 80 tổ chức tín dụng và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, không chỉ đối với người nghèo, các trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn khó tiếp cận vốn vì không có tài sản thế chấp, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất, kinh doanh thiếu khả thi; vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế.
Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu; số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ; hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.
Vì vậy, để thúc đẩy hơn nữa tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp phù hợp từng đối tượng khách hàng và sản phẩm nông nghiệp được đầu tư tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.
Theo PGS, TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình, thúc đẩy tín dụng đối khu vực nông thôn sẽ chỉ mang lại hiệu quả khi có những sản phẩm chuyên biệt phù hợp nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Do đó, các tổ chức tín dụng nên xây dựng và triển khai những sản phẩm tín dụng phù hợp người nông dân và đặc thù sản xuất nông nghiệp; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cung ứng các sản phẩm tiện ích ứng dụng công nghệ mới phù hợp nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn.
Ngoài ra, theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, những năm qua, ngành ngân hàng đã không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng. Tuy nhiên, một số thủ tục liên quan đến hoạt động cho vay lại thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành khác, được điều chỉnh bởi những quy định khác của pháp luật. Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực hơn của các bộ, ngành, địa phương để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay.
Ý kiến ()