Ưu tiên vốn đầu tư phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nông dân vay vốn ở chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tập trung nguồn vốn, ưu tiên cho vay chương trình phát triển sản xuất kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).Tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thônThực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng đã cung cấp một khối lượng vốn lớn cho vay lĩnh vực này. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết; Trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng năm 2011 (khoảng 15%), mức thấp nhất trong 10 năm, nhưng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn vẫn tăng trưởng ở mức 30,64%. Nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cũng đã được NHNN ban hành nhằm khuyến khích các...
Nông dân vay vốn ở chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. |
Tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng đã cung cấp một khối lượng vốn lớn cho vay lĩnh vực này. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết; Trong bối cảnh kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng năm 2011 (khoảng 15%), mức thấp nhất trong 10 năm, nhưng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn vẫn tăng trưởng ở mức 30,64%. Nhiều cơ chế chính sách ưu đãi cũng đã được NHNN ban hành nhằm khuyến khích các ngân hàng tập trung vốn và giảm chi phí cho vay đối với lĩnh vực này; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng xây dựng các giải pháp hiệu quả, thiết thực để hoạt động cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn đạt kết quả tốt nhất. Riêng đối với khu vực ĐBSCL, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân 21%/năm. Cơ cấu vốn tín dụng ngân hàng đã tập trung vào các ngành nghề là thế mạnh của vùng, đặc biệt đối với các nhu cầu nâng cao quá trình cơ giới hóa và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, góp phần thay đổi mạnh mẽ bộ mặt kinh tế khu vực.
Trong hệ thống các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là đơn vị có dư nợ tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm phần lớn. Theo TS Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Agribank, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn qua các năm của ngân hàng luôn đạt hơn 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Năm 2011, tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại khu vực ĐBSCL lên tới 80% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống, đạt 52 nghìn tỷ đồng. Trong đó nhiều chi nhánh của Agribank đạt tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn lên tới 86% như: Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre. Với thị phần chiếm hơn 30% vốn tín dụng của cả địa bàn, lượng vốn Agribank cung ứng hằng năm tập trung vào các lĩnh vực: Thu mua, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản, lương thực, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Riêng năm 2011, Agribank đã dành hơn 10 nghìn tỷ đồng đầu tư cho vay nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và xuất khẩu thủy sản; 12 nghìn tỷ đồng cho vay chăn nuôi và hơn bảy nghìn tỷ đồng cho vay ngành lương thực.
Cùng với Agribank, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng có nhiều đóng góp quan trọng vào đầu tư sản xuất kinh doanh, lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, nông thôn trong vùng, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Phó Tổng giám đốc Vietinbank Nguyễn Hoàng Dũng cho biết: Mỗi năm Vietinbank luôn ưu tiên một nguồn vốn lớn cho lĩnh vực này, năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước. Tính đến hết năm 2011, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến chiếm 34,91% tổng dư nợ của toàn hệ thống.
Trong thời gian tới, các ngân hàng lớn có mạng lưới hoạt động rộng tại khu vực ĐBSCL cũng đều đưa ra cam kết tiếp tục tập trung đầu tư vốn nhiều hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong vùng. TS Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Giai đoạn 2012-2015, Agribank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng dư nợ cho vay tăng trung bình 20%/năm; riêng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 20 – 25%/năm; chiếm tỷ trọng hơn 85%/tổng dư nợ cho vay kinh tế của khu vực. Năm 2012, Agribank ưu tiên cân đối nguồn vốn để cho vay các chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cho vay xuất khẩu tại khu vực ĐBSCL. Cụ thể: Cho vay theo nhu cầu chi phí mùa vụ đối với hộ nông dân là ba nghìn tỷ đồng; cho vay ngành lương thực là 15 nghìn tỷ đồng; cho vay ngành thủy sản hơn tám nghìn tỷ đồng; cho vay chăn nuôi gia súc, gia cầm sáu nghìn tỷ đồng và dành 1.100 tỷ đồng cho vay để giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản, thủy sản;… Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng cũng cho biết, trong năm 2012 ngân hàng sẽ dành 200 tỷ đồng với lãi suất 13%/năm cho hộ nông dân vùng ĐBSCL vay vốn giai đoạn 2 sau khi đã trả gốc và lãi đúng hạn ở giai đoạn 1 thuộc chương trình Tam nông của ngân hàng này. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ dành gói tín dụng sáu nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, và tiếp tục giảm 1% lãi suất khi khách hàng trả gốc và lãi đúng hạn…
Bảo đảm an sinh xã hội
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, hệ thống ngân hàng cũng đã tham gia tích cực công tác hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đối với các địa bàn khó khăn trong vùng. Theo TS Đào Minh Tú, Chánh Văn phòng NHNN, năm 2011, hệ thống ngân hàng đã tài trợ cho hoạt động an sinh xã hội các tỉnh ĐBSCL gần 328 tỷ đồng. Tính đến hết quý I-2012, hệ thống các ngân hàng trong khu vực đã tài trợ được hơn 442 tỷ đồng.
Dẫn đầu trong công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo tại khu vực ĐBSCL là Vietinbank với số tiền gần 500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2011, Vietinbank đã tài trợ hơn 132 tỷ đồng, đến hết tháng 4-2012, ngân hàng này đã và đang tài trợ hơn 291 tỷ đồng, xây dựng 3.729 nhà ở cho hộ nghèo, bốn trường học, 512 cầu giao thông nông thôn, một trạm y tế xã, tài trợ năm xe cứu thương, 10 xe lăn cùng các trang thiết bị y tế…
Ngân hàng Agribank thông qua các hoạt động như: phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết; ủng hộ các quỹ từ thiện; tài trợ xây dựng nhiều trường học, mẫu giáo, học bổng cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi; tài trợ y tế… với tổng số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm. Tổng số tiền dành cho các hoạt động an sinh xã hội của Agribank tại khu vực ĐBSCL tăng từ hơn 600 triệu đồng năm 2001 lên hơn 21 tỷ đồng năm 2011; dự kiến năm 2012, Agribank dành 50 tỷ đồng cho hoạt động này tại khu vực ĐBSCL.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tiềm năng phát triển của vùng ĐBSCL còn rất lớn, nhiều nhân tố và thế mạnh vẫn chưa được khai thác và phát huy, nhân rộng. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh ngày càng gay gắt, khó khăn, vướng mắc là không tránh khỏi. Do vậy, thời gian tới, ngành ngân hàng vẫn phải khắc phục những khó khăn để có được những chính sách phù hợp, nhằm tập trung nguồn vốn và cung cấp sản phẩm dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn các tỉnh ĐBSCL sẽ là lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước mắt nguồn vốn của các ngân hàng dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ được tập trung đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho những dự án, chương trình hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đồng thời sẽ hạn chế nhu cầu về vốn cho những dự án hoạt động không hiệu quả. NHNN sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các cơ chế, chính sách, dành những khoản vay ưu đãi cho phát triển công nghệ, xây dựng các nhà máy chế biến,… tạo điều kiện cho bà con nông dân ĐBSCL làm giàu trên quê hương mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()