Ưu tiên tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nếu để Omicron lan tràn, sẽ gây nên tình trạng quá tải của hệ thống y tế, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch.
Theo thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến 16 giờ ngày 8/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.553 ca mắc mới.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.876.394 ca mắc, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.019 ca mắc).
Tổng số ca được điều trị khỏi COVID-19 ở nước ta đến ngày 8/1 là 1.488.038 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.352 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.117 ca, chiếm 1,8% so với tổng số ca mắc.
Đến nay có hơn 120 nước đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (11 ca), Thanh Hóa (2 ca), Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội (mỗi địa phương 1 ca).
Trong 8 ngày qua, cả nước đã tiêm được gần 10 triệu liều vaccine
Đến sáng 9/1, Việt Nam đã tiêm chủng được 160.033.187 liều vaccine phòng COVID-19, như vậy trong 8 ngày qua, cả nước đã tiêm được khoảng gần 10 triệu liều vaccine.
Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 99,8% và tiêm đủ liều cơ bản là 92,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 97,5% và 90,9%; miền Trung là 96,8% và 90%; Tây Nguyên là 98,3% và 86,7%; miền Nam là 100% và 92,6%…
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, hiện tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam đã nằm trong những nước hàng đầu trên thế giới và về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Vaccine tạo điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết của Chính phủ và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong thời gian tới, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn, số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine. Với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn cho công tác phòng, chống dịch.
Ngành y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng khác đã và đang rất quyết tâm trong cuộc chiến đối với dịch COVID-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Trong năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
“Cuộc chiến COVID-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh. Nếu để Omicron lan tràn, sẽ gây nên tình trạng quá tải của hệ thống y tế, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch,” người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, có những nghiên cứu thời gian gần đây cho rằng mức độ tăng nặng của biến thể Omicron có thể nhẹ hơn đối với Delta nhưng tốc độ lây lan rất nhanh, tăng gấp 7 lần so với biến đổi Delta đối với những người chưa tiêm đủ vaccine, gấp 3 lần so với những người đã tiêm đủ.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường quản lý người có nguy cơ cao; thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm vaccine, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022 và tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý 1 năm 2022. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các kinh nghiệm rút ra từ các địa phương trong nước, chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em để đến trường học trực tiếp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine, về nhu cầu vaccine cần nhập khẩu để bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; thống nhất cách gọi các mũi tiêm để dễ theo dõi.
Cập nhật liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19
Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các địa phương về việc sử dụng vaccine AstraZeneca tiêm bổ sung cho người đã tiêm Vero Cell.
Tại văn bản này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu rõ tiêm liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung bằng vaccine Vero Cell (Sinopharm) thì có thể sử dụng vaccine cùng loại hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine AstraZeneca.
Trên cơ sở cập nhật những thay đổi trong việc khuyến cáo tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại trên thế giới, Bộ Y tế đã sửa đổi mẫu xác nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Giấy xác nhận này đảm bảo việc điền được các thông tin của lịch tiêm liều cơ bản, liều bổ sung và 1 mũi tiêm nhắc lại…
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tất cả các nước trên thế giới áp dụng lịch tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 bao gồm tiêm các mũi cơ bản, tiêm bổ sung và tiêm mũi nhắc lại.
Về tiêm các liều cơ bản: hầu hết là tiêm 2 mũi như vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik… chỉ có vaccine Abdala (chiếm 1-2%) của Cuba tiêm 3 mũi, do đó phần điền vào liều cơ bản gồm 3 vị trí.
Về tiêm bổ sung: Tiêm 1 mũi cho đối tượng tiêm là người từ 18 tuổi trở lên bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (chiếm khoảng 2,5%). Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V (chiếm khoảng 25%).
Về tiêm nhắc lại: Tiêm 1 mũi sau 3 tháng để tăng cường miễn dịch. Một số nước đã tiêm mũi 2 nhắc lại, việc tiêm các mũi nhắc tiếp theo được triển khai khi có các thông tin khoa học, kinh nghiệm thực tiễn của các nước cũng như khuyến cáo của của WHO.
Như vậy, hiện nay tại Việt Nam tiêm nhắc lại là 1 mũi. Phần lớn người dân Việt Nam chỉ tiêm 3 mũi (2 mũi cơ bản 1 mũi nhắc lại), một phần những người có suy giảm miễn dịch và cần tăng cường thêm miễn dịch cho một số vaccine thì tiêm 4 mũi (2 mũi cơ bản 1 bổ sung 1 mũi nhắc lại)…/.
Ý kiến ()