Ưu tiên phát triển hạ tầng kết nối các nước tiểu vùng Mekong
Tại các phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) vừa kết thúc, các quốc gia tiếp tục khẳng định ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các nước tiểu vùng Mekong.
Trong khuôn khổ các phiên họp đối thoại chính sách của Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) vào chiều 30/3, đã có các phiên thảo luận chuyên đề với ba chủ đề chính: Phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng; Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS; GMS và thương mại toàn cầu.
Tại phiên thảo luận chuyên đề phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng, các đại biểu tập trung giải quyết những câu hỏi đặt ra như: Chính phủ cần làm gì để khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng?; Làm thế nào để một quốc gia có thể khai thác hiệu quả tối đa các tài sản công? Cơ chế tài chính khả thi cho các dự án hạ tầng? Đổi mới đối tác công tư để phát triển cơ sở hạ tầng?…
Phát biểu thảo luận, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng nền kinh tế các quốc gia trong tiểu vùng chỉ có đủ điều kiện phát triển khi có hệ thống hạ tầng kết nối thuận lợi. Thời gian qua, đã có nhiều công trình kết nối hiệu quả bước đầu giữa Việt Nam và khu vực GMS (hành lang kinh tế Đông-Tây, hệ thống cầu đường kết nối ĐBSCL, hành lang ven biển phía nam SEC, cao tốc Nội Bài-Lào Cai…). Tuy nhiên, trong các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong, ngoài Trung Quốc và Thái Lan có cơ sở hạ tầng phát triển thì Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam có hệ thống cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, kết nối hạ tầng là điều kiện cần để có thể triển khai thành công các kế hoạch đẩy mạnh hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mekong. Việt Nam hiện coi phát triển hạ tầng là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề nghị các thành viên GMS tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng ở mỗi quốc gia, triển khai các công trình kết nối hạ tầng giữa các nước với nhau để thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Các ý kiến thảo luận khác cũng cho rằng, cần đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt trong khu vực GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài. Phát huy tối đa hình thức kết nối đa phương thức kết hợp hài hòa vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy để các hành lang kinh tế của GMS đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, phải chú trọng kết nối thông tin-viễn thông và năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và quản lý sản xuất kinh doanh. Theo Ủy ban kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP), khi đạt 10% tăng trưởng về thông tin viễn thông sẽ tăng thêm khoảng 1,34% giá trị GDP bình quân đầu người.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Viettel (Viettel) Lê Đăng Dũng nhấn mạnh, hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin có tầm quan trọng không thể phủ nhận đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Ông Dũng cũng hy vọng, tại hội nghị thượng đỉnh GMS-6 lần này, lãnh đạo các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong sẽ cùng thảo luận để có thể tạo điều kiện hướng tới một khu vực “kết nối phẳng” về viễn thông, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn vùng và cho biết, chính Viettel đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong khu vực cho phép kết nối viễn thông giữa 3 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia với cùng một giá cước. Sự kiện này mở ra cơ hội rất lớn để tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế.
Từ 1/1/2017, Viettel đã bỏ cước roaming khi khách hàng của Metfone (Campuchia) và Unitel (Lào) và mạng Viettel ở Việt Nam gọi cho nhau sẽ chỉ là cước di động trong nước bình thường. Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên trên thế giới áp dụng cho khách hàng mức cước liên lạc gồm cuộc gọi, tin nhắn và lướt web giữa mạng Viettel (Việt Nam) – Metfone (Campuchia) – Unitel (Lào) như mức cước trong nước. Với cách tính mới này, khách hàng của Viettel khi đi roaming và thực hiện liên lạc trong khu vực Đông Dương sẽ được giảm tới hơn 13 lần giá cước cuộc gọi quốc tế trong khu vực, giảm 160 lần giá cước data, cước tin nhắn giảm gần 10 lần.
Trước đó, từ năm 2013, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông các nước ASEAN chính thức thảo luận về chính sách miễn cước roaming viễn thông trong khu vực, chính sách sẽ làm lợi cho người dân ASEAN nhờ chi phí liên lạc rẻ hơn.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()