Ưu tiên nguồn lực tạo đột phá phát triển vùng dân tộc thiểu số
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên với 30 dân tộc anh em, chiếm 53,18% dân số toàn tỉnh, có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê.
Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách dân tộc của Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được đầu tư; sản xuất có bước phát triển, công tác y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội được chú trọng.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,29% vào năm 2018, bình quân giảm 3,58%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29,8 triệu đồng năm 2014 lên 37,49 triệu đồng năm 2018. Đến nay, có 99,03% hộ dân được sử dụng điện, 98% xã, 57% thôn có đường giao thông cứng hóa, 87,5% số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc biểu dương những kết quả trong công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc của tỉnh và đề nghị Kon Tum cần ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; phát huy ý chí tự lực, tự cường của cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc là hết sức quan trọng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị tỉnh Kon Tum chú trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, các gương điển hình tiên tiến, lao động giỏi và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò người có uy tín, già làng tiêu biểu trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng.
* Ngày 11/10, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên – Huế lần thứ III năm 2019 được tổ chức với sự tham dự hơn 200 đại biểu đại diện cho hơn 54 nghìn người của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Trong 5 năm qua, việc thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên – Huế lần thứ II (2014-2019) được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhờ đó, sau 5 năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân chung của vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng trên 16%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2014.
Đến nay, 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia, 98% hộ sử dụng điện; 100% xã, thị trấn được đầu tư xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế kiên cố đảm bảo cho việc học tập và khám chữa bệnh cho nhân dân vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (bình quân giảm trên 4,5%/năm), hiện còn khoảng 25%. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện và nâng cao; những giá trị truyền thống, nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; bộ mặt nông thôn trong đồng bào dân tộc tiếp tục có nhiều đổi mới, văn minh, tiến bộ; chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác dân tộc, đẩy mạnh phát triển vùng dân tộc và miền núi; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào tích cực lao động, sản xuất; quan tâm tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách trồng, cách chăm, cách nuôi cho người dân; làm tốt công tác định canh, định cư ở khu vực biên giới, tạo điều kiện để nhân dân sinh sống ổn định lâu dài…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()