Ưu tiên chiến lược
Liên hiệp châu Âu (EU) mới đây thông báo chiến lược thương mại đến năm 2030 của khối này, theo đó, mở rộng cánh cửa hợp tác với các đối tác ngoài khối, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế xanh là những ưu tiên hàng đầu. Chiến lược thương mại mới của EU đã khẳng định quyết tâm của Brúc-xen nâng cao tính tự chủ, quyết đoán và sáng tạo trong phát triển kinh tế, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) V.Ðom-brốp-xkít khẳng định, các bộ trưởng thương mại 27 nước thành viên EU rất lạc quan về chiến lược thương mại mới của khối này cho giai đoạn 2021 – 2030 và tin tưởng vào cam kết của EC về thúc đẩy thương mại cởi mở, công bằng, dựa trên luật lệ. Chiến lược thương mại mới của EU, được công bố vào tháng 2 vừa qua, có trọng tâm là cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở rộng quan hệ giữa EU với các đối tác thương mại ngoài khối như Mỹ, Trung Quốc, châu Phi…, tăng cường chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Ðược đưa ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều thách thức, bản chiến lược mới của EU được nhận định truyền tải thông điệp rõ ràng về lập trường của khối này trong vấn đề thương mại. Theo đó, EU muốn khẳng định tính cởi mở, quyết đoán, tự chủ của mình, có thể đặt ra những quy tắc thương mại, để qua đó EU là “người chơi chính” trên sân chơi thương mại toàn cầu.
Những năm qua, EU luôn đề cao tầm quan trọng của việc cân đối giữa mục tiêu phát triển kinh tế với chống biến đổi khí hậu, đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo và tăng trưởng xanh, vốn được coi là “chìa khóa” cho tương lai phát triển bền vững của khu vực. Chiến lược thương mại mới của EU cũng đã phản ánh rõ nét tinh thần coi trọng phát triển kinh tế xanh này. Trong chiến lược thương mại nêu trên, EC nhấn mạnh, các thỏa thuận thương mại trong tương lai phải tuân thủ các cam kết trong Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu năm 2015, qua đó khẳng định, châu Âu luôn dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu của toàn cầu. Cải cách WTO cũng là trọng tâm trong chiến lược thương mại của EU. Giới chức EU hiện đang tìm cách thúc đẩy hợp tác với chính quyền của Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn để giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin trong WTO, nơi mà những nỗ lực xử lý các cuộc xung đột và đàm phán thương mại đang gặp bế tắc. Việc WTO có vị tân Tổng Giám đốc là bà E.I-uây-la được kỳ vọng sẽ mang đến “luồng gió mới” cho tổ chức này, giúp khôi phục hình ảnh của WTO, nối lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ, cải tổ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO theo hướng hiệu quả hơn… EC nhấn mạnh sẽ góp phần xây dựng một WTO có nhận thức sâu sắc hơn nữa về vấn đề bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, các tranh chấp thương mại nổ ra gay gắt và EU gặp nhiều khó khăn để thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương. Nhấn mạnh ưu tiên tăng cường hợp tác với Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Phi… trong chiến lược thương mại tới năm 2030, EU muốn khẳng định quyết tâm định hình hệ thống thương mại toàn cầu theo hướng cởi mở, tự chủ hơn. Những tranh cãi giữa EU và Mỹ chung quanh việc nhiều mặt hàng của EU bị Mỹ áp thuế, quan điểm bất đồng của hai bên đối với thỏa thuận hạt nhân I-ran… đang khiến rạn nứt giữa hai bờ Ðại Tây Dương ngày càng lớn. Tổng thống Ðức P.Xtai-mai-ơ từng thẳng thắn đề cập tới sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa Mỹ và EU khi cho rằng nước Mỹ không còn đặt châu Âu vào trọng tâm chính sách như trong quá khứ. Ngay sau khi Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đắc cử, lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu đã bày tỏ hy vọng vào sự “hồi sinh” của mối quan hệ giữa hai bờ Ðại Tây Dương. Chủ tịch EC U.Lây-en chia sẻ, đã đến lúc thực hiện một chương trình nghị sự mới xuyên Ðại Tây Dương.
Với quyết tâm “tự đứng trên đôi chân của mình”, chính sách thương mại mới của EU được tin tưởng sẽ định hướng cho sự phát triển cho khối này trong thời gian tới, đặt nền móng cho các cuộc đàm phán thương mại giữa EU với các đối tác ngoài khối, cũng như trở thành công cụ hướng dẫn hành động của EU để đối phó các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại, các hậu quả về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra…
Ý kiến ()