Ưu tiên bảo vệ quyền của người khuyết tật và nạn nhân bom mìn
Bảo vệ quyền của người khuyết tật nói chung và nạn nhân bom mìn nói riêng là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Đây là thông tin từ tọa đàm quan hệ đối tác trong hỗ trợ các nạn nhân bom mìn tại Việt Nam trong bối cảnh nước ta vừa phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD).
Chương trình do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) phối hợp tổ chức diễn ra chiều ngày 3-12.
Theo bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật nói chung và nạn nhân bom mìn nói riêng là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Điều này được thể hiện thông qua những nỗ lực của nước ta trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về người khuyết tật; thực hiện các chương trình quốc gia; tích cực tham gia vào các sáng kiến quốc tế để thúc đẩy quyền con người nói chung, quyền của người khuyết tật nói riêng. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký CRPD, một trong những Công ước toàn diện nhất về quyền người khuyết tật. Việc phê chuẩn Công ước của Việt Nam đã tạo ra khuôn khổ, hướng dẫn cho việc thực hiện các chính sách, chiến lược, chuẩn mực và các hoạt động để cung cấp các dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng, tái tạo hòa nhập kinh tế, xã hội của nạn nhân do hậu quả bom mìn tại Việt Nam, đặc biệt là ở một số tỉnh miền trung Việt Nam.
Các hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn được thể hiện trong Công ước bao gồm: nâng cao nhận thức thông qua thúc đẩy thái độ tích cực, toàn diện đối với người khuyết tật trong các thông điệp giáo dục nguy cơ bom mìn; xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác là chìa khóa để lập kế hoạch hiệu quả, chính sách hỗ trợ nạn nhân; xây dựng năng lực quốc gia, hỗ trợ chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý, phục hồi chức năng xã hội, giáo dục, tái hòa nhập kinh tế cho tất cả người khuyết tật; thúc đẩy các biện pháp cần thiết để thúc đẩy khả năng tiếp cận, cơ hội việc làm cho nạn nhân bom mìn…
Thạc sĩ Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, cho biết, Việt Nam là quốc gia ô nhiễm nặng nề về bom mìn vật nổ, với hơn 21% diện tích đất nước bị ô nhiễm từ 800 nghìn tấn bom mìn vật nổ, chưa kể số còn sót lại trên biển. Thống kê cho thấy, có tới hơn 40 nghìn tử vong, hơn 60 nghìn người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Trung bình mỗi năm, bom mìn cướp đi tính mạng 1.525 người, khiến 2.272 người khác phải chịu thương tật suốt đời. Khảo sát sơ bộ tại sáu tỉnh miền trung gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi cho thấy, đã có hơn 22,7 nghìn nạn nhân do bom mìn, trong đó có 10,5 nghìn người chết và hơn 12 nghìn người bị thương.
Một số chính sách xã hội đang dành hỗ trợ nạn nhân bom mìn, đồng thời là người khuyết tật, như trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng. Người khuyết tật nặng, đặcbiệt nặng là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
Toàn quốc có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hoà nhập. Hơn 700 giáo viên dược đào tạo trình độ cao đẳng về giáo dục hoà nhập và hơn 10 nghìn giáo viên mầm non và tiểu học đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dạy học hoà nhập cho các loại trẻ khuyết tật, nạn nhân bom mìn khác nhau. Hệ thống giáo dục đã giúp đưa 269 nghìn em trong khoảng 1,1 triệu trẻ khuyết tật, nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học đến trường, chiến 24,22%.
Hiện nay, các mô hình trợ giúp nạn nhân bom mìn tại các tỉnh, thành phố bị ô nhiễm nặng bom mìn phát triển như hỗ trợ các tỉnh thực hiện mô hình trợ giúp nạn nhân hoà nhập cộng đồng, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, thí điểm mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn tại Đà Nẵng, Thanh Hoá , Thừa Thiên – Huế, tư vấn kỹ thuật phục hồi chức năng…
Trong giai đoạn 2012 – 2015, mười địa phương là Đác Nông, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Giang, Hưng Yên xây dựng dự án đầu tư nâng cấp, thí điểm mười trạm y tế cấp xã để hỗ trợ nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng.
Ông Tô Đức cũng cho biết, trong giai đoạn tới, cần tăng cường các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn như hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, phát triển các hình thức và dịch vụ trợ giúp xã hội đối với nhóm đối tượng này.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()