Ưu tiên an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có một số điểm mới quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Qua đó, góp phần giảm con số trẻ em tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta.
Bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông
Tại Việt Nam, tai nạn giao thông cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em. Trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có một số điểm mới liên quan tới quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông năm 2023 cho thấy, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/12/2023, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em ở độ tuổi từ 6-18 tuổi xảy ra 2.158 vụ, làm chết 1.034 người, bị thương 827 người. So với năm 2022, con số này tăng 359 vụ (tương đương 19,95%), giảm 22 người chết (giảm 2,08%), tăng 477 người bị thương (tăng 29,37%).
Gần đây, số liệu từ Cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy, từ ngày 15/12/2023 đến 14/9/2024, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em xảy ra 1.957 vụ làm chết 783 người, bị thương 2.018 người. So với cùng kỳ năm 2023, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em tăng 176 vụ (tương đương 10,95%), giảm 70 người chết (giảm 8,21%), tăng 231 người bị thương (tăng 15,49%).
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong Luật có một số điểm mới liên quan tới quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Thứ nhất, Luật quy định không được cho trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế tài xế.
Cụ thể, Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 bổ sung quy tắc chung trong giao thông đường bộ. Trong đó quy định tại khoản 3 như sau: “Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô-tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô-tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em”. Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định không được cho trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế tài xế..
|
Thứ hai, xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ.
Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định xe ô-tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Xe ô-tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Xe ô-tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 10, khoản 1 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe đáp ứng yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô-tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô-tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Người lái xe ô-tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.
Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.
Mới đây nhất, Nghị định số 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/11/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu rõ, xe ô-tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.
Xe ô-tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
Quy định này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại phương tiện này, bảo đảm sự an toàn cho trẻ em, học sinh khi tham gia giao thông.
Hành động vì an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em
Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7/ 2021.
Chương trình đặt mục tiêu tổng quát là kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội.
Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu hằng năm giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ.
|
Một trong những mục tiêu cụ thể của Chương trình là giảm tỷ lệ tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn, thương tích của trẻ em. Đó là: Giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 550/100.000 trẻ em và 500/100.000 trẻ em vào năm 2030; Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 16/100.000 trẻ em và 15/100.000 trẻ em vào năm 2030; Hằng năm giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ.
Cùng với đó, chương trình cũng nhấn mạnh tới việc vận động toàn xã hội, cộng đồng, người dân sử dụng các trang thiết bị an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ như: mũ bảo hiểm, dây đai an toàn, ghế ngồi an toàn. Cung cấp kiến thức, kỹ năng, các quy định an toàn giao thông đường bộ cho cha mẹ, trẻ em tại trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và cộng đồng. Nhân rộng các mô hình an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em, mô hình cổng trường an toàn, các mô hình can thiệp giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em tại khu vực có tập trung đông trẻ em. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định an toàn giao thông cho trẻ em.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, trên toàn cầu, tai nạn khi tham gia giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 5-19 tuổi. Đáng buồn là, nhiều ca tử vong trong số này đã có thể phòng tránh được.
Nhấn mạnh “không bao giờ là quá sớm để dạy cho con bạn về an toàn giao thông đường bộ”, UNICEF cũng đưa ra những khuyến cáo hành động vì an toàn giao thông đường bộ.
Trước hết, ban hành và thực thi quy định pháp luật nhằm bảo đảm duy trì tốc độ giao thông đô thị trên các đường phố có dân cư sinh sống và trên các tuyến đường chạy qua trường học ở mức dưới 30 km/giờ.
Tiếp đó, phân luồng các nhóm người tham gia giao thông dễ bị tổn thương bằng cách cung cấp lối đi cho người đi bộ và làn đường dành cho xe đạp đối với người đi xe đạp.
Cùng với đó, đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông đường bộ, trong đó có bao gồm hướng dẫn thực tế khi tham gia giao thông trên đường, vào chương trình giảng dạy ở trường tiểu học và trung học cơ sở.
Một thí dụ như tại Nghệ An, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức; xây dựng mô hình cổng trường “An toàn giao thông” tiêu biểu, 1.200 áp-phích “không sử dụng điện thoại khi lái xe”, cấp phát hơn 7.000 mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học…
Bên cạnh đó, công an các đơn vị, địa phương ở Nghệ An phát động cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông và cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng Internet” trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong trường học” và đã được biểu dương, nhân rộng trên toàn quốc.
Một số quy tắc tham gia giao thông đường bộ giúp trẻ nhỏ luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu 1. Giao thông rất nguy hiểm Khi ở ngoài đường cùng con bạn, hãy giải thích với trẻ rằng mặc dù ngắm nhìn ô-tô, xe máy đi lại trên đường có thể rất thú vị nhưng trẻ cần phải giữ khoảng cách an toàn với những phương tiện này. Hãy dạy trẻ biết rằng ô-tô, xe máy có quyền ưu tiên khi lưu thông trên đường và lái xe không thể nhìn rõ trẻ em do trẻ có thân hình nhỏ hơn. 2. Không bao giờ được đi gần lòng đường mà không có người lớn và luôn nắm tay người lớn Không được để trẻ em dưới 7 tuổi đi gần lòng đường một mình, trẻ nên ở bên cạnh bạn và tránh xa các phương tiện lưu thông trên đường. 3. Dừng lại, quan sát và lắng nghe trước khi đi qua đường Hãy cùng nhau đi qua đường trên một con đường ít xe cộ và làm mẫu cho trẻ thấy tầm quan trọng của việc dừng lại, nhìn cả hai chiều và lắng nghe xe cộ đang chạy tới trước khi băng qua đường. Việc này quan trọng ngay cả khi không có phương tiện giao thông qua lại trên đường. 4. Mặc quần áo có màu sắc tươi sáng Hãy giải thích với trẻ rằng quần áo sáng màu và phản quang giúp người khác nhìn thấy trẻ trong điều kiện thời tiết xấu hoặc khi trời tối. 5. Đi lại an toàn ở lối xe ra vào khu nhà Việc thực hành an toàn giao thông trên đoạn đường lái xe vào khu nhà cũng rất quan trọng vì lối đi này thường có thể là nguyên nhân gây chấn thương nghiêm trọng cho trẻ em. Hãy dạy con về sự nguy hiểm của lối ra vào này, đồng thời tự bảo đảm an toàn cho con bằng cách quan sát kỹ trước khi bạn lái xe vào nhà hoặc rời nhà. |
Ý kiến ()