Ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông
Cũng như hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới, nhu cầu về nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam rất lớn. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam đã xác định chủ trương xã hội hóa là một trong những giải pháp quan trọng để kêu gọi nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP).
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Chính phủ Việt Nam có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như: mức thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi trong khoảng thời gian nhất định đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đó là doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo (theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP).
Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tạo thành tài sản cố định, nguyên liệu, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư và khuyến khích về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, tính đến thời điểm này, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 209.732 tỷ đồng để đầu tư 68 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Trong đó đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 61 dự án với tổng mức đầu tư là 178.660 tỷ đồng, đang triển khai đầu tư 7 dự án với tổng mức đầu tư 31.072 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số dự án theo hình thức doanh nghiệp đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực hàng không như: nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh, Đà Nẵng…; trong lĩnh vực hàng hải như cảng Lạch Huyện, cảng Vũng Áng…
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2016, cơ sở hạ tầng của Việt Nam đứng ở vị trí 64, tăng 10 bậc so với năm 2014 (xếp thứ 74); 26 bậc so với năm 2012 (vị trí thứ 90) và tăng 39 bậc so với năm 2010 (vị trí thứ 103).
“Những kết quả này là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam. Nhất là trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển tăng chậm, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra,Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nên nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng giảm. Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội là một giải pháp hiệu quả để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm quốc phòng – an ninh”, Thứ trưởng nhận định.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua để ban hành Luật PPP. Luật PPP ra đời được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý hoàn thiện đối với lĩnh vực đầu tư PPP, xoá bỏ được các tồn tại, bất cập về pháp lý đối với lĩnh vực đầu tư PPP trong thời gian qua. Đây cũng là cơ sở để nâng cao hiệu quả và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()