UR mất đa số lập hiến trong Hạ viện Nga
Lần đầu trong gần mười năm qua, tương quan lực lượng chính trị trong Đu-ma quốc gia (Hạ viện) Nga đã có sự thay đổi khi đảng Nước Nga thống nhất (UR) mất đa số lập hiến trong Hạ viện. Dù UR không giành được sự ủng hộ cao như mong đợi thì cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia vừa qua vẫn được đánh giá là động thái mở đường cho "cặp đôi quyền lực" tại xứ sở Bạch Dương đổi vai sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga đầu tháng 3-2012.Với 99% số phiếu đã kiểm, Ủy ban bầu cử Trung ương (SIK) Nga cho biết, đảng UR cầm quyền dẫn đầu với 49,54% số phiếu ủng hộ (chiếm 238 ghế trong 450 ghế Hạ viện), KPRF giành được 19,16% (92 ghế), đảng Nước Nga công bằng (SR) với 13,22% (64 ghế) và đảng Dân chủ Tự do (LDPR) thu được 11,66% (56 ghế). Như vậy, đây là lần đầu kể từ khi thành lập cách đây một thập kỷ, UR nhận được sự ủng hộ của cử tri dưới mức 50%, mất 77 ghế so với cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia năm 2007. Trong khi đó, ba...
Với 99% số phiếu đã kiểm, Ủy ban bầu cử Trung ương (SIK) Nga cho biết, đảng UR cầm quyền dẫn đầu với 49,54% số phiếu ủng hộ (chiếm 238 ghế trong 450 ghế Hạ viện), KPRF giành được 19,16% (92 ghế), đảng Nước Nga công bằng (SR) với 13,22% (64 ghế) và đảng Dân chủ Tự do (LDPR) thu được 11,66% (56 ghế). Như vậy, đây là lần đầu kể từ khi thành lập cách đây một thập kỷ, UR nhận được sự ủng hộ của cử tri dưới mức 50%, mất 77 ghế so với cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia năm 2007. Trong khi đó, ba đảng KPRF, SR và LDPR đều giành thêm ghế tại Hạ viện, mà nổi bật là KPRF có thêm 37 ghế.
Với dự đoán của nhiều nhà phân tích rằng cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia Nga năm 2011 sẽ lặp lại kịch bản của hai cuộc bầu cử năm 2003 và 2007 khi UR giành đa số trong 450 ghế tại Hạ viện để tự đứng ra thành lập chính phủ mới, thì kết quả bầu cử này gây bất ngờ. Thực tế cho thấy, khó có thể phủ nhận đảng UR cầm quyền dưới sự chèo lái của bộ đôi “Pu-tin – Mét-vê-đép” trong thời gian qua đã đưa xứ sở Bạch Dương giữ vững ổn định chính trị, nâng cao vị thế và vai trò của nước Nga trên trường quốc tế, đạt tăng trưởng kinh tế khá trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mạnh trên thế giới đang rơi vào suy thoái. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, Nga đang nổi lên như một điểm sáng về phát triển kinh tế với GDP dự kiến tăng hơn 4% trong năm nay. Đồng thời, nền kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD này đã vượt qua những trở ngại lớn nhất, hoàn tất tiến trình 18 năm đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, một trong những điều cử tri Nga chưa hài lòng là UR chưa đạt hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, để tình trạng lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp nhiều năm liền ở mức cao, phân hóa giàu-nghèo diễn ra ngày càng trầm trọng. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến việc UR mất đa số lập hiến trong Hạ viện. Kết quả bầu cử là lời cảnh tỉnh với UR sau hơn mười năm cầm quyền ở Nga, cho thấy UR cần quan tâm đáp ứng những nguyện vọng thiết thực của cử tri.
Trong khi đó, Đảng CS Liên bang Nga ngày càng khẳng định vị thế trên chính trường và nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri Nga. Theo kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn liên bang (VSIOM), gần 30% số người Nga được hỏi tuyên bố dành cảm tình lớn cho KPRF. Không giống như giai đoạn trước khi các đảng viên của KPRF chủ yếu là những người về hưu, hiện nay thành phần tham gia Đảng CS Liên bang Nga ngày càng đa dạng về vị trí xã hội và lứa tuổi. Với cương lĩnh tranh cử là đưa tài nguyên thiên nhiên trở lại với nhân dân và đề xuất những biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế mới, tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho KPRF tăng gần gấp hai lần sau hai thập kỷ khi LB Xô-viết sụp đổ.
Dù sự ủng hộ dành cho UR không được như mong đợi, Thủ tướng V.Pu-tin đánh giá, kết quả bầu cử Đu-ma quốc gia Nga phản ánh đúng tương quan lực lượng hiện nay trong xã hội Nga. Do không giành được số ghế quá bán để thành lập chính phủ, UR sẽ phải liên minh với các chính đảng khác trong Đu-ma quốc gia Nga. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã gọi điện cho lãnh đạo các đảng KPRF, SR và LDPR bày tỏ hy vọng các chính đảng chủ chốt sẽ hợp tác nhằm đưa nước Nga phát triển mạnh mẽ, bảo đảm dân chủ, tiến bộ xã hội và đấu tranh vì lợi ích của người dân.
Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia Nga vừa qua chính là “phép thử” về sự ủng hộ của cử tri dành cho ứng cử viên của UR, Thủ tướng V.Pu-tin, tại cuộc bầu cử tổng thống mới vào đầu tháng 3-2012. Dù sự ủng hộ với UR giảm đáng kể song khả năng quay trở lại cương vị đứng đầu nước Nga của ông Pu-tin tương đối chắc chắn do ông vẫn là chính khách được yêu mến nhất ở nước Nga và chính trường nước này hiện chưa có chính trị gia nào có tầm ảnh hưởng lớn hơn. Như vậy, nhiều khả năng “cỗ xe song mã” lại tiếp tục dẫn dắt nước Nga nhằm đạt mục tiêu UR đề ra là đưa LB Nga lọt vào danh sách năm nước phát triển nhất thế giới trong năm năm tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()