Uống rượu ở mức độ nào cũng tăng nguy cơ mắc ung thư
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc rượu có methanol cao do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/4, tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Hùng Long,Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại Việt Nam có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Trong giai đoạn từ năm 2007 đến hết tháng 3/2017, toàn quốc đã ghi nhận 58 vụ ngộ độc rượu (5,3% vụ/năm) do sử dụng rượu không an toàn làm 382 người mắc (trung bình 34,7 người/năm, 6,6 người/vụ) và 98 người chết (trung bình 8,9 người/năm, 1,7 người/vụ).
Hầu hết các loại rượu đã sử dụng trong các vụ ngộ độc đều không rõ nguồn gốc, không được cấp Giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, được kinh doanh nhỏ lẻ, bán dong hoặc sản phẩm do người tiêu dùng tự pha chế và nấu sẵn. Các loại rượu đã sử dụng trong 58 vụ ngộ độc: rượu trắng là 12/58 vụ (20,7%), rượu trắng có hàm lượng methanol cao là 18/58 vụ (31,0%), rượu ngâm thuốc là 8/58 vụ (13,8%), rượu ngâm cây rừng độc là 13/58 vụ (22,8%)…
Hội thảo Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử lý và điều trị ngộ độc rượu có methanol cao do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/4, tại Hà Nội. Ảnh: ĐT
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia như gan, dạ dày, tim mạch…
Còn theo thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương của Việt Nam cho thấy tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân tâm thần và vẫn đang có xu hướng gia tăng.
Ông Nguyễn Hùng Long cho rằng, có hai loại ngộ độc rượu thường gặp, đó là ngộ độc ethanol (còn gọi là rượu Etylic) và ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Với ngộ độc ethanol ở dạng cấp tính, ban đầu người bệnh có dấu hiệu kích thích (cảm giác sảng khoái, nói nhiều…), nhưng sang đến giai đoạn ức chế thì có biểu hiện mất tập trung. Người uống rượu trong thời gian dài có thể bị giảm cân, chán ăn, tiêu chảy do bị tổn thương gan và ruột, da xanh tái do thiếu máu, thoái hoá gan, xơ gan, ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần.
Còn methanol là chất độc cực mạnh, chỉ cần uống từ 5 đến 15ml chất cồn là có thể bị ngộ độc nặng; uống từ 15ml trở lên là có thể bị mù loà và từ 30ml trở lên là có thể gây tử vong.
Đề cập đến tình trạng lạm dụng rượu bia hiện nay, bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, lượng rượu bia được tiêu thụ ở nước ta đang ở mức cao và gia tăng nhanh. Theo nghiên cứu, hiện có 77% nam giới có uống rượu bia và 44% nam giới uống ở mức nguy hại. Tác hại của rượu bia là do chất cồn gây ra, không phụ thuộc là bia hay rượu mà phụ thuộc vào lượng uống và cách thức uống. Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn, uống ở mức độ nào cũng tăng nguy cơ mắc ung thư.
“Chúng ta cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia, trong đó tập trung vào kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia, đặc biệt là trong bối cảnh mạng xã hội phát triển và chưa được kiểm soát hiệu quả. Mặt khác, cần có quy định cụ thể về điểm bán, giờ bán, quản lý rượu tự nấu/rượu thủ công, kiểm soát sử dụng rượu bia ở trẻ em, phòng chống uống rượu bia khi lái xe…”, bác sĩ Trần Quốc Bảo nói.
Còn bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận 34 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 9 trường hợp tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, việc điều trị đối với những ca ngộ độc rượu có chứa methanol rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và còn để lại những di chứng lâu dài như giảm thị lực, ảnh hưởng đến hoạt động thần kinh của người bị ngộ độc. Nhiều gia đình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi mất đi những lao động chính và phải chi phí tốn kém để điều trị và phục hồi sức khỏe cho người bị ngộ độc.
“Nguyên nhân của những vụ ngộ độc này đã được các cơ quan chuyên môn xác định là do các nạn nhân đã sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần, dẫn đến tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: “Chúng ta không thể cấm uống rượu bia, nhưng vấn đề đặt ra là quản lý việc sản xuất và buôn bán rượu cũng như khuyến cáo người dùng như thế nào?”
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, dù các quy định về quản lý rượu đã có nhiều nhưng những quy định đó chưa thật chặt chẽ, chưa rõ ràng. Ngay cả với những vụ ngộ độc rượu gây tử vong xảy ra trong thời gian qua, chúng ta chưa thể xác định rõ ai là người chịu trách nhiệm chính.
Đề cập đến vấn đề quản lý rượu, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho rằng, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, Chính phủ đã có nghị định quy định rất rõ ràng. Bộ Công thương cũng đã có Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Tuy nhiên, trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu có hàm lượng methanol rất cao. Vì vậy, ngoài việc siết chặt các biện pháp quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc, không nhãn mác./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()