"Ươm tình hữu nghị": Góp phần làm sâu sắc hơn tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia
Sau hơn 2 năm phát động, phong trào "Ươm tình hữu nghị" đã trở thành một điểm sáng trong hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Từ phong trào này, nhiều lưu học sinh Campuchia đã được các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đỡ đầu. Đây là một việc làm rất thiết thực, góp phần giữ gìn, củng cố và tăng cường tình hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia.
Sau hơn 2 năm phát động, phong trào “Ươm tình hữu nghị” đã trở thành một điểm sáng trong hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Từ phong trào này, nhiều lưu học sinh Campuchia đã được các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia đỡ đầu. Đây là một việc làm rất thiết thực, góp phần giữ gìn, củng cố và tăng cường tình hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam –Campuchia.
|
Ông Vũ Mão |
Hiện nay, có hơn 1.000 lưu học sinh Campuchia đang học tập, nghiên cứu tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội ở Việt Nam. Riêng tại miền Bắc có 606 lưu học sinh đang học tập, nghiên cứu tại các trường: Học viện Quân y, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Bách khoa, Đại học Y Thái Bình…
Sau hơn 2 năm phát động chương trình “Ươm mầm hữu nghị”, hiện đã có 49 sinh viên Campuchia ở các trường đại học khu vực phía Bắc có bố mẹ đỡ đầu người Việt Nam. Các gia đình nhận lưu học sinh Campuchia làm con đỡ đầu đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu trong gia đình, các hoạt động tham quan, tìm hiểu phong tục, tập quán của Việt Nam, giao lưu với các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện một số tỉnh giúp các sinh viên Campuchia nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt, đặc biệt xoa dịu cảm giác nhớ gia đình, tập trung cao độ vào việc học tập tại Việt Nam.
Ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia chia sẻ: Việt Nam còn nhiều khó khăn nên đời sống của lưu học sinh Campuchia sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng. Mặc dù vậy, Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân Việt Nam luôn cố gắng dành tình cảm, điều kiện tốt nhất cho lưu sinh Campuchia. Phong trào “Ươm tình hữu nghị” đã trở thành điểm sáng trong hoạt động của Hội thời gian vừa qua. Theo đó, các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia… nhận đỡ đầu các lưu học sinh. Việc làm này đã giúp các lưu học sinh Campuchia dịu bớt đi cảm giác xa nhà, tập trung hơn nữa cho việc học tập và nghiên cứu tại Việt Nam… Đây là một việc làm rất thiết thực để ươm mầm tình hữu nghị giữa Việt Nam – Campuchia và mô hình này sẽ được Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Chương trình nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam đã có những thành công tốt đẹp và được sự ủng hộ của cả hai nước. Hiện nay, phong trào này bắt đầu phát động rộng rãi tại các tỉnh phía Nam. Hiện có nhiều cá nhân, Chi hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia chuẩn bị nhận đỡ đầu thêm nhiều lưu học sinh Campuchia.
Trong số 14 gia đình đỡ đầu các lưu học sinh Campuchia, gia đình của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Chiến Thắng đã nhận đỡ đầu 5 lưu học sinh Campuchia. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, việc nhận đỡ đầu không chỉ làm cho các lưu học sinh Campuchia vơi đi nỗi nhớ nhà mà còn có ý nghĩa to lớn hơn. Khi các lưu học sinh Campuchia này hoàn thành nhiệm vụ, về tham gia xây dựng đất nước Campuchia, chính họ sẽ là những người tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước.
Nguyên là một cán bộ nhà nước về hưu, có thời gian dài tham gia hoạt động trong Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, bà Nguyễn Thị Thảo, người đỡ đầu 3 lưu học sinh Campuchia xúc động chia sẻ: “Bản thân tôi cũng có con gái đi du học xa nhà nên tôi thấu hiểu được sự thiếu thốn tình cảm của các cháu. Ngay sau khi Hội phát động phong trào, tôi đã xung phong nhận đỡ đầu cho 3 cháu sinh viên Campuchia học tại Đại học Nông nghiệp I và Đại học Kiến trúc. Tôi thường xuyên thăm hỏi, đông viên, tổ chức cho những người con Campuchia tham gia vào các hoạt động tập thể của gia đình để giúp hiểu hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của Việt Nam… Những việc làm này đã tạo động lực rất lớn cho các lưu học sinh Campuchia bớt đi cảm giác xa nhà để tập trung vào học tập và nghiên cứu”.
Là một trong những người may mắn được “mẹ Thảo” quan tâm, em Chey Vo Thy, sinh viên trường Đại học Nông nghiệp I nghẹn ngào tâm sự: Thời gian đầu mới sang Việt Nam học, em rất nhớ bố mẹ và gia đình nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập. Sau này, khi được bác Lê Ngọc Phúc đỡ đầu, lại được “mẹ Thảo” quan tâm chăm sóc, em vô cùng hạnh phúc bởi ngoài bố mẹ đẻ ở Campuchia, em đã có thêm “bố mẹ Việt Nam”. Những tình cảm yêu thương, sự chăm sóc ân cần, chu đáo của bố mẹ và anh chị em gia đình Việt Nam đã giúp em vượt qua mọi khó khăn trong sinh hoạt và học tập. Em đã trở thành 1 trong 10 sinh viên xuất sắc của Đại học Nông nghiệp I được mời sang giao lưu tại Nhật Bản.
Vong So Văn Na Ra là 1 trong 4 người con nuôi của Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia Vũ Vương Việt và hiện đã tốt nghiệp, trở về công tác tại thủ đô Phnom penh (Campuchia) được 5 tháng. Những ngày tháng sống và học tập tại Việt Nam là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với Vong So Văn Na Ra.
Trong bức thư gửi cho “bố Việt”, người mà em vô cùng yêu quý và trân trọng, Vong so Văn Na Ra viết: “Tính đến giờ, con đã trở lại Campuchia 5 tháng rồi và con đã phải xa bố, xa đất nước Việt Nam thân yêu. Trong thời gian học tập tại Việt Nam, con đã may mắn và hạnh phúc khi được làm con nuôi của bố mẹ. Những tình cảm ân cần mà bố mẹ và các thành viên trong gia đình dành cho con đã giúp con quên đi cảm giác xa nhà, thiếu thốn tình cảm… Con như được sống trong vòng tay yêu thương của những người thân ở Campuchia vậy. Những việc làm, những tình cảm bố dành cho con có ý nghĩa vô cùng quý báu; qua đó, con cảm thấy bản thân mình và thế hệ trẻ Campuchia phải có trách nhiệm, nghĩa vụ giữ gìn, phát huy hơn nữa tình hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia”.
|
Các cha mẹ đỡ đầu và lưu học sinh Campuchia tại buổi giao lưu |
Chương trình gặp mặt, giao lưu với lưu học sinh Campchia tại Việt Nam do Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Học viện Quân y và Báo Quân đội Nhân dân tổ chức vào trung tuần tháng 12 vừa qua là cơ hội để các em chia sẻ về những tình cảm, kỷ niệm sâu sắc của những người con Campuchia với các bố, các mẹ Việt Nam. Những câu chuyện cảm động về sự quan tâm, chăm sóc, chỉ bảo của “mẹ Thảo”, “bố Thắng”, “bố Việt” với những người con Campuchia đã thể hiện được tình yêu thương vô bờ bến, không biên giới… Tình yêu đó đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành việc học xuất sắc, góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước Campuchia giàu mạnh. Hơn thế nữa, tình yêu đó còn giúp thế hệ trẻ Campuchia hiểu rõ hơn về tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia; ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ để góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Campuchia tại Việt Nam Hul Phani cho biết, giáo dục là một trong những lĩnh vực quan trọng và được lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm. Kể từ năm 1981 đến nay, đã có hơn 4.000 sinh viên Campuchia sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Mới đây, với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ các lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã phát động phong trào “Ươm mầm hữu nghị”. Đây là chương trình có ý nghĩa giúp các em hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam, về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia và cần được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Đại sứ Hul Phani, khi về nước, các sinh viên này sẽ là những nhân tố góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia. Họ sẽ mãi mãi lưu giữ những tình cảm tốt đẹp mà đất nước, nhân dân Việt Nam dành cho đất nước, nhân dân Campuchia.
Theo CPV
Ý kiến ()