Ươm mầm tài năng từ cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng
(LSO) – Thông qua các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng được phát động trong các trường học trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp cho học sinh trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, có những sáng kiến hiệu quả và xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
Từ khi cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng được tổ chức, học sinh tiểu học được thoả sức sáng tạo với các sản phẩm tái chế, trang trí góc học tập, đồ chơi trẻ em. Học sinh THCS, THPT thì ứng dụng những kiến thức đã học vào thực hiện những mô hình dụng cụ học tập, lao động, các phần mềm, ứng dụng tin học phục vụ cho học tập, cuộc sống. Nhiều sáng kiến thể hiện được tâm huyết, sự nhiệt tình tham gia của học sinh, đặc biệt là lứa tuổi từ 9 -16 tuổi.
Sản phẩm bình thở khí ô xi mi ni cầm tay của nhóm tác giả học sinh Trường THCS xã Bính Xá, huyện Đình Lập
Điển hình như thông qua cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thường niên đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong lứa tuổi thanh, thiếu nhi. Được biết từ năm 2008 đến nay, thông qua phát động cuộc thi, mỗi năm, ban tổ chức đều nhận được sự tham gia của đông đảo các em học sinh, theo thống kê mỗi năm có hơn 100 sản phẩm được gửi đến. Các mô hình, sản phẩm tham dự trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản phẩm dụng cụ sinh hoạt và đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập, sản phẩm thân thiện với môi trường, phần mềm tin học; giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, xã hội học và phát triển kinh tế. Các mô hình, sản phẩm sáng tạo đều xuất phát từ thực tế cuộc sống, học tập và vui chơi hằng ngày của các em, đặc biệt là có khả năng áp dụng rộng rãi vào đời sống.
Bên cạnh những sản phẩm cụ thể từ chế tạo dụng cụ y tế, nông nghiệp được các em lựa chọn làm sản phẩm dự thi, còn có các đề tài, giải pháp hữu ích trong công tác bảo vệ môi trường hay giải pháp từ nghiên cứu xã hội học. Có thể kể đến như các giải pháp xóa bỏ định kiến về giới trong nhà trường của nhóm tác giả Nguyễn Thùy Linh lớp 12 và Nguyễn Hải Chi lớp 10 Trường THPT chuyên Chu Văn An. Sau khi trình bày với thầy cô giáo, nhóm được thầy cô hỗ trợ, gợi ý hình thức điều tra xã hội học và tìm hiểu về những định kiến của học sinh nam đối với học sinh nữ trong phạm vi nhà trường… thông qua đó nhóm đã có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu trong nhà trường về bình đẳng giới.
Từ đó có thể thấy tuy mới chỉ ở lứa tuổi học trò nhưng thông qua cuộc thi đã phần nào khơi dậy được sự sáng tạo của học sinh, từ các vật liệu, nguyên liệu sẵn có trong cuộc sống hằng ngày, các “phế liệu” trong sinh hoạt gia đình, các tác giả đã sáng tạo và cải tiến thành các vật dụng, mô hình hữu ích, thiết bị tự động hóa, mô hình thông minh, nhiều sản phẩm mang tính sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tiễn cao như: sản phẩm guồng nước tự động; trồng rau thủy canh tiết kiệm diện tích… hay các giải pháp về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã thể hiện được tư duy trong nghiên cứu các vấn đề nóng của xã hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thầy Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thông qua cuộc thi không chỉ là sân chơi bổ ích, cơ hội cho học sinh giao lưu, học hỏi, kết bạn với những bạn bè có cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học mà còn khơi dậy tính sáng tạo, rèn giũa tính kiên nhẫn, tiết kiệm; hướng các em có trách nhiệm đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hiện đại như: bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin vào sinh hoạt hằng ngày. Đó là tiền đề để các em trở thành những nhà nghiên cứu, sáng chế trong tương lai.
Ý kiến ()