Ươm mầm những ước mơ xanh
(Tiếp theo và hết)
Kỳ II: Để “đất cằn “ sinh “trái ngọt”
– Sau một thời gian triển khai, chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng và đánh giá cao. Chương trình đã giúp các em học sinh hoàn cảnh khó khăn vững bước tới trường.
Những “Bố nuôi mang quân hàm xanh”
Những năm gần đây, người dân xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng đã quen thuộc với hình ảnh người bố trong trang phục Bộ đội biên phòng sáng sáng đưa con đến trường học, đến chiều lại đón về. Người bố đó là Đại úy Ngô Văn Dưỡng, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Na Hình. Người con là cháu Luân Quang Vinh, nhà ở thôn Pò Pheo, xã Thụy Hùng. Cháu Vinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ nhỏ ở với ông bà đã ngoài 70 tuổi, già yếu, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Tháng 11/2019, được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình đón về nuôi, Vinh có cơ hội được đến trường, được chăm sóc chu đáo.
Ngoài việc đưa đón con đến trường, “bố” Dưỡng còn dành thời gian cùng con ngồi vào bàn học bài mỗi tối, dạy con cách cư xử cũng như những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi của trẻ như: giữ gìn vệ sinh bàn học, giường ngủ, quét sân, trồng rau, chăm sóc cây xanh… Có lẽ vì thường xuyên được quan tâm, nuôi dạy mà cậu bé Vinh tuy mới 12 tuổi mà đã cao lớn, vạm vỡ và rèn luyện được thói quen ăn ngủ đúng giờ, biết làm một số công việc trong doanh trại như một “người chiến sĩ nhỏ”. Đại úy Ngô Văn Dưỡng cho biết: Bản thân tôi thấy chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” có ý nghĩa thiết thực. Được lãnh đạo đơn vị phân công phụ trách nuôi dưỡng, dạy dỗ cháu Vinh, với trách nhiệm của người cha, người chú, tôi luôn dành thời gian chăm lo, dạy dỗ cháu chu đáo để cháu có cảm giác gần gũi, ấm áp và mong muốn bù đắp phần nào sự thiếu hụt tình cảm cho cháu.
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Hình, huyện Văn Lãng hướng dẫn cháu Luân Quang Vinh học bài
Khi được hỏi về tình hình sinh hoạt tại Đồn Biên phòng Na Hình, cháu Luân Quang Vinh vui vẻ kể: Ông bà cháu ở nhà già yếu rồi, không đưa cháu đi học được. Về đây cháu được ở với các chú, các bác và đặc biệt có “bố Dưỡng” chăm sóc, dạy dỗ. Hằng ngày bố đưa cháu đến trường, tối về dạy cháu học. Bố dạy cháu cách trồng rau, nuôi gà, chăm sóc cây xanh… Bố còn hướng dẫn cháu đi xe đạp và năm nay vào lớp 7, cháu được mua xe, tự đạp đến trường cùng với các bạn. Cháu rất yêu quý biết ơn bố Dưỡng và các chú, các bác ở đồn.
Luân Quang Vinh chỉ là một trong số 9 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang cư trú tại khu vực biên giới được cán bộ, chiến sĩ biên phòng Lạng Sơn chăm lo, hỗ trợ theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” (với tổng kinh phí từ năm 2019 đến nay hơn 780 triệu đồng). Không chỉ lo ăn, ở, hỗ trợ kinh phí mua sách vở, đồ dùng học tập, các “bố nuôi mang quân hàm xanh” còn thực sự trở thành những người cha đồng hành cùng các em trong cuộc sống, ươm mầm ước vọng cho các em.
“Trái ngọt” vùng biên giới
Những ngày đầu tháng 9/2022, chúng tôi có mặt ở xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định để cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã thăm và tặng quà các em có hoàn cảnh khó khăn. Vượt qua những đoạn đường bùn lầy nhỏ hẹp, trơn trượt, chúng tôi đến được những ngôi nhà nhỏ bên triền núi. Niềm vui, sự biết ơn hiện rõ trong ánh nhìn ngây thơ của những học sinh được nhận sự giúp đỡ từ các chú bộ đội biên phòng (BĐBP).
Chị Hoàng Thị Đào, mẹ của em Ngô Mỹ Lệ, ở thôn Thống Nhất, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định cho biết: Bố cháu mất sớm, mình tôi nuôi con ăn học, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Được các chú BĐBP quan tâm, hỗ trợ kinh phí, gia đình tôi bớt đi gánh nặng kinh tế, có điều kiện mua đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập cho con để đến trường. Học được cái chữ, tôi mong rằng sau này con trưởng thành sẽ có việc làm ổn định, cuộc sống tốt đẹp hơn và đóng góp được nhiều cho quê hương.
Cũng giống như em Ngô Mỹ Lệ, được hỗ trợ từ chương trình “Nâng bước em tới trường” từ năm 2016, em Trần Thị Vân, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định đã có thêm động lực để vươn lên học tập tốt, thi đỗ đại học với mong ước sau này sẽ trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình, xã hội. Em Vân chia sẻ: Bố em mất sớm, một mình mẹ em làm ruộng nuôi 2 chị em ăn học nên cuộc sống gia đình rất vất vả. Từ khi được các chú BĐBP hỗ trợ, em thấy tự tin và yên tâm hơn vì có thêm điểm tựa. Biết ơn các chú BĐBP, em đã cố gắng, nỗ lực trong học tập, đạt học sinh giỏi và thi đỗ vào Trường Đại học Hà Nội. Hiện nay, em đã là sinh viên năm cuối đại học, đã có việc làm thêm và có thể tự trang trải cuộc sống.
Đây chỉ là 2 trong số 10 học sinh khu vực biên giới được Đồn Biên phòng Pò Mã nhận hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Trung tá Lê Văn Chiến, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Mã cho biết: Từ năm 2016 đến nay, đồn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã Đội Cấn, Quốc Khánh rà soát danh sách các cháu học sinh đủ các tiêu chí theo quy định và căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị để hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em tới trường” được 10 cháu. Ngoài ra, chúng tôi đã nhận nuôi 2 cháu mồ côi bố, mẹ, gia đình thuộc diện hộ nghèo tại đơn vị. Chúng tôi bố trí giường ngủ, bàn học, phân công người phụ trách, hằng ngày đưa đón các cháu đi học, lo ăn ngày 3 bữa và kèm cặp, dạy dỗ các cháu học hành.
Được biết, đến đầu năm học 2022 – 2023, BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho 118 em học sinh ở 3 cấp: tiểu học, THCS, THPT. Các em đã có hành trang tri thức tốt để tạo dựng cho mình cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, trở thành công dân tốt, tạo nguồn phát triển cán bộ tại chỗ cho địa phương vùng biên giới.
Với sự hỗ trợ thiết thực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, các em học sinh khu vực biên giới có thêm điều kiện mua sách vở, đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, đồng thời có thêm niềm tin, nghị lực để đến trường và quyết tâm phấn đấu có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, có những em đã vươn lên đạt được nhiều thành tích trong học tập, trong đó có nhiều em đạt học sinh xuất sắc. Có thể kể đến thành tích học tập của một số học sinh như em Hoàng Bích Trang (sinh năm 2002) và em Chu Thúy Hường (sinh năm 2004) ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng)… Đây là những “trái ngọt” trên vùng đất khó được vun trồng, chăm sóc bằng tình thương yêu của chiến sĩ biên phòng.
Phát huy những kết quả đạt được, BĐBP tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ và tăng cường thông tin đến các cấp, ngành và toàn dân về ý nghĩa, giá trị nhân văn của chương trình, huy động sự chung tay của các cấp, ngành, các nhà hảo tâm tham gia cùng BĐBP nhân rộng chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” và lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, góp phần tô thắm, thắt chặt tình cảm keo sơn, gắn bó, mối quan hệ đoàn kết, máu thịt giữa BĐBP với Nhân dân các dân tộc biên giới, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi tuyến đầu của Tổ quốc.
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn
“Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao, có sự lan tỏa rộng rãi. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã và đang phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, chăm lo cho các cháu vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập, rèn luyện tốt. Từ chương trình, nhiều học sinh nghèo có điều kiện để cắp sách đến trường, duy trì việc học tập và có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. Những việc làm thiết thực đó của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã góp sức cùng với ngành GDĐT tỉnh thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, thực hiện hiệu quả sự nghiệp trồng người, nâng cao trình độ dân trí tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh.
ĐÌNH QUANG - NGỌC HIẾU
Ý kiến ()