Ước vọng miền băng giá
LSO – Nằm chênh vênh bên sườn núi Mẹ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình ẩn hiện dưới lớp sương mù dày đặc. Giữa tiết trời đông, Mẫu Sơn chìm trong giá buốt, nhưng những đứa trẻ vùng cao vẫn mải miết lội suối, băng ngàn đến với nơi gieo mầm tri thức.
Học sinh Trường PT dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn (Lộc Bình) chăm sóc vườn rau sau giờ học
Vừa làm xong bài thi học kỳ I, Hoàng Văn Lộc, học sinh lớp 6 đã sà ngay tới vườn rau tăng gia của học sinh nội trú tỉ mẩn nhổ cỏ. Cậu bé loắt choắt chỉ bận nhõn chiếc áo thun trắng mỏng tang, giữa trời đông, cánh phóng viên chúng tôi cứng người vì áo sống mà vẫn run rẩy vì lạnh, còn Lộc thì lấm tấm mồ hôi. Có lẽ sinh ra ở cái nơi tiết trời khắc nghiệt này nên cậu bé đã quen với giá buốt? Là em út trong gia đình có 4 anh em, mẹ Lộc bỏ đi lúc em còn nhỏ, bố thì hay uống rượu say, gia cảnh của Lộc thuộc vào diện khó khăn nhất của thôn Bản Quang. Bản Quang xã Mẫu Sơn nằm giáp mãi khu vực cửa khẩu Chi Ma, xã Yên Khoái, nếu đi vòng ra quốc lộ thì cách trường tới gần 30km, còn đi tắt đường rừng cũng mất tới 4 giờ đi bộ. Trước kia học tiểu học phải đi bộ hàng ngày tới phân trường, còn giờ lên cấp 2, Lộc ở luôn nội trú. Cậu nhóc hồn nhiên: nhà xa nhưng cháu nhớ nhà nên tháng nào cũng về, có tháng về 2 lần, đi bộ đường rừng, quen rồi mà. Thấy chúng tôi cười tủm tỉm, cậu bé nhanh trí như đoán được suy nghĩ: cháu chỉ về thăm anh, thăm bố thôi, không xin tiền, xin gạo mang đi đâu, ở trường các thầy cô nấu cơm cho 3 bữa, sách vở cũng có đầy đủ mà. Các thầy trong trường bảo, tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng Lộc sáng dạ, nhanh nhẹn và hòa đồng lắm.
Nói về hoàn cảnh của các em, thầy giáo Lành Văn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: hầu hết đều có gia cảnh khó khăn, có tới gần 70% là con hộ nghèo, còn lại cũng là con em hộ cận nghèo. Trước đây ngoài điểm trường chính, nhà trường còn có thêm 1 phân trường, nhưng từ tháng 8/2011 khi chuyển đổi loại hình từ THCS sang Phổ thông dân tộc bán trú thì tập trung lại ở điểm trường chính gần khu du lịch Mẫu Sơn này. Những học sinh ở các địa điểm xa như Nóc Mò, Bản Quang…được tạo điều kiện ở nội trú. Với 2 phòng nội trú được đầu tư, các thầy, cô trong trường sửa sang, sắp xếp đủ chỗ ở cho 32 trên tổng số 60 học sinh. Ở nội trú, các em hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, mỗi tháng được 40% mức lương tối thiểu. Từ nguồn này, nhà trường tổ chức nấu ăn tập trung. Gần 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường cắt cử nhau trực quản sinh. Mỗi ca 2 giáo viên. Đến ca của ai thì lo toàn bộ từ việc mua nhu yếu phẩm đến nấu nướng 3 bữa. Vừa dạy học, những giáo viên nơi đây còn làm cấp dưỡng và kiêm cả làm cha mẹ dạy các em những kỹ năng sống.
Thầy giáo Lành Văn Thọ tâm sự: học sinh vùng cao nên rụt rè, nhút nhát lắm, tuổi còn nhỏ lại ở xa gia đình, nên ngoài giờ học nhà trường thường tổ chức các giờ ngoại khóa như đá bóng, cầu lông và sinh hoạt văn nghệ. Tuy nhà nước đã có những chế độ hỗ trợ các em rất nhiều, ngoài chế độ chung, hàng tháng mỗi em còn được thêm 50.000 đồng từ nguồn qũy hũ gạo khuyến học do Phòng giáo dục huyện Lộc Bình phát động, nhưng do hoàn cảnh gia đình các em quá khó khăn nên trong sinh hoạt hàng ngày học sinh vẫn rất vất vả. Năm trước được Công đoàn ngành giáo dục hỗ trợ 20 triệu đồng, nhà trường đã dành toàn bộ để mua chăn ấm, nhưng ở nơi khắc nghiệt này, về đêm có lúc nhiệt độ xuống đến âm thì chừng đó vẫn chưa thể đủ.
Khoác mỗi chiếc áo len mỏng, học sinh lớp 7 Hoàng Thị Múi ngồi co ro ôn bài trên giường tầng. Thấy chúng tôi xoa xuýt vì lạnh em quay ra cười: hôm nay trời bình thường mà chú, có lạnh lắm đâu. Cô nhóc giơ quyển sách văn học lớp 7 khoe, cháu thích học văn, học giỏi sau này còn làm cô giáo để dạy các em, đến tận bản Nóc Mò dạy, để em cháu không còn phải đi xa như cháu. Thầy Hiệu trưởng xúc động: anh xem, quyết tâm đến trường của bọn trẻ vùng cao này đã làm cho chúng tôi thêm hăng hái, thêm yêu nghề. Trời càng ngả về chiều, núi Mẹ càng giá buốt, trước kia tôi vẫn cứ mong đông về Mẫu Sơn có tuyết để lên ngắm, nhưng giờ tôi mơ Mẫu Sơn luôn nắng ấm và chẳng bao giờ có tuyết để vợi đi những nhọc nhằn cho bọn trẻ vùng cao.
Ý kiến ()