Ước mơ về con đường của người dân 3 xã vùng cao Đình Lập
– Đường huyện ĐH48 nối liền 3 xã: Cường Lợi, Đồng Thắng, Lâm Ca được biết đến là con đường khó đi nhất của huyện Đình Lập. Đã nhiều năm nay, người dân phải sống trong cảnh cứ mỗi khi trời mưa là gần như không thể di chuyển được trên con đường này. Thực trạng trên khiến đời sống người dân 3 xã gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Triệu Sinh An, thôn Nà Xoong, xã Đồng Thắng cho biết: Nhà tôi chỉ cách trung tâm xã 3 km nhưng cứ mỗi sáng đưa con đi học, tôi đều phải mất 40 phút để di chuyển đến trường vì đường quá xấu, cả đoạn đường giống như ruộng lúa sắp cấy, có những đoạn bùn ngập đến hơn nửa bánh xe. Nếu trời mưa to, con tôi không thể đến trường học.
Anh Triệu Tiến Quang, thôn Bình Thắng, xã Lâm Ca cũng chán nản khi nhắc đến con đường đi qua nhà mình: Tôi làm việc ở trung tâm huyện cách nhà 30 km. Do con đường di chuyển quá khó khăn nên tôi ít khi về thăm gia đình được, đặc biệt vào mùa mưa, có khi phải 2 tháng, tôi mới về nhà được một lần.
Người dân di chuyển khó khăn trên đường ĐH48
Được biết, đường huyện ĐH48 hay còn gọi là đường tránh ngập vào trung tâm các xã nghèo miền núi 30A, con đường có tổng chiều dài 47 km, rộng 3,5m. Hiện nay, cả đoạn đường mới chỉ có 9 km được cứng hóa, phần còn lại là đường đất. Đoạn đường đi qua xã Đồng Thắng và một số thôn của xã Lâm Ca như: thôn Bình Thắng, Khe Lầm, Hòa Bình… là những nơi di chuyển khó khăn nhất. Đặc biệt, đoạn đường qua thôn Bình Thắng, Khe Lầm xấu đến mức người dân phải cuốc đường đi qua cánh rừng tránh những đoạn quá xấu trên trục đường chính. Vào mùa mưa nơi đây gần như biệt lập với bên ngoài, sau mỗi đợt mưa, người dân phải đợi 2 – 3 ngày nắng mới có thể di chuyển bằng xe máy để đi đến các xã khác hoặc ra trung tâm huyện.
Ông Vi Văn Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng cho biết: Con đường xấu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân địa phương. Cứ mỗi khi trời mưa hàng hóa cũng không thể lưu thông. Thu nhập chính của người dân từ hoạt động khai thác gỗ rừng trồng (thông, keo) và nhựa thông. Tuy nhiên, những lâm sản đó của người dân đều bị thương lái trả giá rất thấp do chi phí vận chuyển cao (trừ đi từ 5% đến 20% để bù chi phí vận chuyển). Con đường xấu là một trong những nguyên nhân chính khiến cho xã Đồng Thắng chậm phát triển hơn nhiều so với mặt bằng chung cả huyện Đình Lập.
Rõ ràng, giao thông là một trong những điều kiện quan trọng để người dân phát triển kinh tế, thoát cảnh nghèo khó, đặc biệt là đối với hai xã vùng 3: Đồng Thắng và Lâm Ca. Chính vì vậy, người dân 3 xã: Đồng Thắng, Cường Lợi, Lâm Ca luôn mong chờ con đường được đầu tư xây dựng để thuận lợi lưu thông, mở ra cơ hội phát triển, cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Đắc Hưởng, Phó trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đình Lập cho biết: Mặc dù từ năm 2014, tỉnh đã phê duyệt dự án Đường tránh ngập vào trung tâm các xã nghèo miền núi 30A Đồng Thắng – Cường Lợi – Lâm Ca do Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư song sau nhiều lần thi công và điều chỉnh (lần điều chỉnh gần đây nhất vào tháng 8/2021) thì con đường này mới chỉ cứng hóa được 9 km, những hợp phần còn lại vẫn đang dang dở. Hiện nay, huyện chỉ có thể tiến hành tu sửa với nguồn kinh phí bảo trì là 23 triệu đồng/km/năm do chất lượng đường quá thấp, nguồn kinh phí này chỉ đủ để đơn vị bảo trì thực hiện những biện pháp tạm thời như: san lấp các đoạn lún sâu, rải sỏi một số đoạn đường quá trơn trượt. Để người dân các xã trên có đời sống tốt hơn, rất mong thời gian tới, UBND tỉnh tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân
Ý kiến ()