Ước mơ những “con tàu 67” vươn khơi, bám biển
Ba trong số 64 hộ ngư dân đăng ký đã được xét duyệt cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là con số quá khiêm tốn cho địa bàn huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tuy chưa thể nói lên hết thực trạng trên cả nước, nhưng số liệu này cũng phần nào cho thấy, để thực hiện ước mơ, hoài bão vươn khơi bám biển đối với ngư dân là cả một chặng đường dài.
Niềm vui “tàu 67” ra khơi
Những ngày qua, hy vọng về một tương lai của “con tàu 67” (tàu sản xuất bằng vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP) đánh bắt xa bờ đang được nhen lên trong những người dân miền biển Thừa Thiên – Huế. Đó là khi “tàu 67” đầu tiên trúng đậm trở về sau hơn mười ngày ra khơi “thử nghiệm”. Chủ tàu Phan Văn Chinh ở thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) tràn đầy hy vọng. Khả năng trả nợ ngân hàng sẽ rất nhanh, nếu chuyến nào cũng đánh bắt được như chuyến đầu tiên này. “Chỉ là chuyến thử nghiệm đi biển đầu tiên, nào ngờ lại trúng lớn. Chỉ hơn mười ngày ra khơi, tàu chúng tôi đã đánh bắt được 20 tấn cá các loại, trị giá gần 300 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí cũng lãi gần 200 triệu đồng”, anh Chinh chia sẻ. Con tàu mà anh Chinh đang sở hữu là “tàu 67” đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên – Huế và cũng là “tàu 67” công suất lớn bằng vỏ gỗ đầu tiên của cả nước. Trước đó, để có được con tàu này, anh Chinh đã đăng ký vay vốn đóng mới tàu với UBND thị trấn Thuận An, được cán bộ tín dụng của ngân hàng Agribank chi nhánh Phú Vang (thuộc Agribank tỉnh Thừa Thiên – Huế) trực tiếp đến gặp gỡ, hướng dẫn thủ tục. Với 2,7 tỷ đồng vốn tự có, anh Chinh đã vay thêm ngân hàng 5,3 tỷ đồng đóng mới tàu vỏ gỗ với công suất 685 CV. Và toàn bộ số tiền vay này đã được Agribank giải ngân hết trong tháng 8 này.
Cùng với anh Phan Văn Chinh, anh Trần Quân ở thị trấn Thuận An cũng chung niềm vui khi hạ thủy “con tàu 67” để chờ ngày ra khơi. Anh Quân hiện đang dùng hai chiếc tàu gỗ của gia đình (có công suất 410 CV và 350 CV) để làm tài sản thế chấp lấy kinh phí làm vốn đối ứng (2,9 tỷ đồng), vay Agribank chi nhánh Phú Vang 6,7 tỷ đồng đóng mới “tàu 67” có tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng. “Nếu thuận buồm xuôi gió, tính trung bình mỗi năm dự kiến “con tàu 67” này sẽ thu về hai tỷ đồng tiền lãi từ đánh bắt hải sản. Và chỉ ba năm sau gia đình tôi sẽ thanh toán được hết số vốn vay mà Agribank đầu tư,” anh Quân nhẩm tính.
Tuy nhiên, hộ anh Phan Văn Chinh hay hộ anh Trần Quân chỉ là số ít trong những hộ tiếp cận được vốn vay để đóng tàu theo Nghị định 67. Theo Giám đốc Agribank chi nhánh Phú Vang Mai Xuân Thành, đến thời điểm này trên địa bàn huyện, ngân hàng mới đầu tư cho vay được ba chiếc “tàu 67”. “Khi mới triển khai Nghị định 67, ngư dân các xã đăng ký qua huyện rất nhiều, khoảng 64 hộ. Nhưng đến cuối cùng, tại thời điểm này, chỉ có ba hộ được Agribank giải ngân cho vay, các hộ còn lại tự rút hết,” ông Thành bày tỏ.
Tháo từng điểm nghẽn
Giải thích lý do vì sao số hộ đăng ký thì đông nhưng được vay vốn lại rất ít, Giám đốc Agribank chi nhánh Phú Vang Mai Xuân Thành cho biết: Thực tế, khi tiếp xúc với nội dung Nghị định ban đầu, ngư dân rất hồ hởi, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ, họ lại đắn đo, cân nhắc. Bởi lẽ, để đóng mới một chiếc tàu không hề đơn giản vì họ cần phải tính khi đóng xong họ phải vận hành chiếc tàu đó như thế nào, có tìm đủ lượng “bạn tàu” đi hay không vì tối thiểu một con tàu ra khơi cần phải có hơn mười người,… Và đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính là yêu cầu vốn đối ứng. Mặc dù ngư dân được vay tới 95% giá trị con tàu để đóng mới tàu sắt và 70% để đóng tàu vỏ gỗ với lãi suất rất thấp, nhưng để đóng được con tàu sắt có tổng mức đầu tư phổ biến là 15 đến 16 tỷ đồng và tàu gỗ từ 7 đến 9 tỷ đồng thì số vốn đối ứng của ngư dân phải có là không hề nhỏ.
Và đó cũng là lý do mà Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Gio Linh (Quảng Trị) Trương Hữu Toán đưa ra khi danh sách huyện phê duyệt ban đầu có 28 hộ nhưng sau đó có nhiều hộ thay đổi xin không đăng ký tham gia nữa. Đến nay, trên địa bàn huyện Gio Linh, Agribank đang đầu tư cho vay ba dự án đóng mới tàu sắt, trong đó có một dự án đã giải ngân 1,5 tỷ đồng (trên tổng mức vay là 6,5 tỷ đồng) và hai dự án hiện đang trong quá trình thẩm định. Hay như huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có số lượng ngư dân đăng ký là 22 hộ nhưng mới có hai hộ được ngân hàng thẩm định và phê duyệt cho vay. “Khó khăn nhất trong cho vay theo Nghị định 67 là điều kiện vốn đối ứng. Đã có 20 hộ đăng ký vay vốn nhưng vì không có vốn đối ứng nên muốn làm cũng chịu”, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Triệu Phong Lê Tùng chia sẻ.
“Một cái khó nữa là trước đây, Agribank Gio Linh cũng đã đầu tư cho vay 40 dự án đánh bắt xa bờ nhưng công suất máy chỉ từ 200-350 CV, không đủ theo tiêu chuẩn của “tàu 67”. Cả 40 dự án này đang khai thác có hiệu quả và đang hoạt động ngoài ngư trường. Họ cùng có nhu cầu và đề nghị ngân hàng cho họ được vay để nâng cấp, cải hoán tàu nhằm nâng công suất tàu lên. Mặc dù Nghị định 67 có đề cập tới cải hoán, nâng cấp nhưng cơ chế hiện nay mới chỉ cho vay đóng mới tàu, chứ chưa có chủ trương, hướng dẫn cụ thể việc cho vay để cải hoán, nâng cấp tàu,” ông Toán băn khoăn. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định dự toán con tàu vì cho đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về định mức kỹ thuật và giá khái toán để cán bộ tín dụng tham khảo.
Ngoài ra, việc thiếu những hướng dẫn cụ thể về thuế cũng khiến nhiều ngư dân băn khoăn. Đơn cử như với thuế giá trị gia tăng, theo anh Trần Quân thì “với việc đóng một con tàu 10 tỷ đồng, tôi đã phải đóng thuế mất một tỷ đồng thì cũng gây khó khăn không ít. Nếu Chính phủ có cách hỗ trợ số thuế này cho ngư dân thì thật tốt”.
Như vậy có thể thấy, Nghị định 67 là một chủ trương đúng đắn, là đòn bẩy nâng cánh ước mơ vươn khơi bám biển của bà con ngư dân. Nhưng để chính sách được triển khai hiệu quả, đặc biệt là dòng vốn được giải ngân nhanh và tới được với nhiều hộ dân hơn nữa, cần có sự chung tay tháo gỡ của không chỉ riêng ngành ngân hàng mà cả sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của nhiều bộ, ngành từ trung ương đến địa phương và người dân trong triển khai thực hiện.
Đến ngày 18-8, toàn hệ thống Agribank đã giải ngân cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP là 166 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng số vốn toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giải ngân được từ đầu năm đến nay. Trong số 99 hồ sơ đã tiếp nhận, Agribank đã ký 54 hợp đồng tín dụng cho khách hàng và đã giải ngân cho 38 khách hàng đóng mới 27 tàu vỏ thép, hai tàu côm-pô-dít và 70 tàu vỏ gỗ. Dự kiến đến cuối năm 2015, Agribank sẽ giải ngân hết các hợp đồng tín dụng đã ký với số tiền là 434 tỷ đồng.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()