Ước mơ chip "made in Việt Nam"
Dù còn khó khăn, thiếu thốn về máy móc, trang bị thực hành nhưng các nhà nghiên cứu, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu và gặt hái được những thành công trong thiết kế vi mạch bán dẫn.
20 giờ tối thứ 6, phòng làm việc của nhóm nghiên cứu Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB), Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn sáng đèn. Nghiên cứu sinh Đào Mạnh Hiệp (28 tuổi) cùng các sinh viên Nguyễn Thế Anh (22 tuổi) và Phạm Minh Hải (20 tuổi) đang thảo luận sôi nổi về quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn sử dụng công cụ thiết kế mã nguồn mở trong khi chờ đợi chiếc máy tính đã có tuổi đời cả chục năm “khởi động”.
Anh Đào Mạnh Hiệp (đứng) cùng sinh viên Nguyễn Thế Anh (áo xám) và Phạm Minh Hải. |
Từ căn phòng khoảng 40m2 với trang thiết bị hạn chế này, những sinh viên thuộc SISLAB đã gặt hái được nhiều kết quả cao trong các cuộc thi về thiết kế vi mạch quốc tế. Có thể kể đến như cuộc thi LSI design contest, được tổ chức thường niên tại Nhật Bản (đã nhiều lần SISLAB đoạt giải thưởng, trong đó có một lần đoạt giải nhất); Synopsys ARC design contest (tại Đài Loan); SEACAS Hackathon (tổ chức thường niên, luân phiên giữa các nước trong khu vực)…
Cũng từ đây, đội ngũ các nhà khoa học tại SISLAB chủ trì triển khai nhiều hợp đồng nghiên cứu, đề tài quốc gia và quốc tế về thiết kế vi mạch. Thành quả mới nhất là sản phẩm ADEN4IoT, được nhóm nghiên cứu và phát triển cho các ứng dụng Chính phủ điện tử dựa trên hệ thống IoT (Internet vạn vật) nhỏ gọn với công suất thấp, trên công nghệ 65nm của hãng TSMC, Đài Loan. Vi mạch được nghiên cứu, thiết kế, thực thi và thử nghiệm thiết bị thành công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, hiện đang triển khai tại khuôn viên của trường.
Một số sản phẩm chip bán dẫn do SISLAB nghiên cứu, thiết kế. |
Nhiều sản phẩm nghiên cứu khác của nhóm được đánh giá cao như vi mạch SNACk, với công nghệ chế tạo vi mạch FDSOI 28nm của hãng ST Microelectronics, thông qua hợp tác với các đồng nghiệp ở Viện nghiên cứu CEA-Leti (Cộng hòa Pháp)… Dựa vào năng lực nghiên cứu tích lũy nhiều năm, SISLAB đã có một số hợp đồng nghiên cứu cho các doanh nghiệp thiết kế chip bán dẫn tại Nhật Bản và Hoa Kỳ. Đầu năm nay, họ cùng các đối tác đã được chương trình Horizon Europe tài trợ dự án nghiên cứu chip bán dẫn công suất thấp trị giá trên 1 triệu USD.
Anh Đào Mạnh Hiệp cho biết, tuy trang thiết bị phục vụ nghiên cứu tại Viện vẫn còn khá hạn chế, nhưng vẫn là hiện đại so với mặt bằng chung của các cơ sở đào tạo khác.
Có thể nói, cơ hội để các nhà nghiên cứu tại Việt Nam được tiếp cận các công cụ thiết kế vi mạch bán dẫn, trang thiết bị đo kiểm, đóng gói vi mạch còn khá hạn chế, chưa nói đến các phòng thí nghiệm chế tạo bán dẫn bởi chi phí cho những công cụ này quá đắt đỏ. Đơn cử, bộ công cụ thiết kế vi mạch trong công nghiệp có giá thành tương đối đắt. Có những bộ công cụ mà chi phí bản quyền lên tới 1 triệu USD/năm hay sản xuất thử nghiệm một bản thiết kế cũng có thể tốn kém tới 20-50.000USD (dù chia sẻ chung phiến silicon-MPW). Với trường đại học, nhà cung cấp có những chính sách giảm giá để khuyến khích sử dụng, thậm chí giảm 90% giá bán, nhưng với mặt bằng chung của các trường đại học ở nước ta thì con số này vẫn cao.
Anh Đào Mạnh Hiệp đã làm việc tại đây từ năm 2017, khi là sinh viên năm cuối chương trình kỹ sư. Anh hiện đang học tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Grenoble, Cộng hòa Pháp, chuyên ngành NanoElectronics and NanoTechnology (Điện tử Nano và kỹ thuật Nano). Hiện tại SISLAB duy trì khoảng 30 thành viên (5 tiến sĩ, 6 nghiên cứu sinh và gần 20 sinh viên). Sinh viên tham gia nhóm nghiên cứu được lựa chọn thông qua thư bày tỏ nguyện vọng, kết quả và thành tích học tập, đặc biệt là sự say mê khoa học. Tất cả đang miệt mài nghiên cứu để hiện thực hóa ước mơ tự sản xuất được con chip “made in Việt Nam”.
Nguồn:https://ct.qdnd.vn/kinh-te-xa-hoi/uoc-mo-chip-made-in-viet-nam-529306
Ý kiến ()