UNICEF – nhà cung cấp vắc-xin lớn nhất cho trẻ em trên thế giới
Trong thông cáo được đưa ra, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết đã cung cấp 2,5 tỷ liều vắc-xin cho hàng trăm triệu trẻ em tại gần 100 quốc gia trong năm 2016, đạt gần một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới.
Theo đó, UNICEF đã trở thành nhà cung cấp vắc-xin cho trẻ em lớn nhất trên thế giới.
Nigeria, Pakistan và Afghanistan, 3 quốc gia luôn tồn tại bệnh bại liệt, đã nhận được nhiều liều vắc-xin hơn so với các nước khác, với gần 450 triệu liều được cung cấp cho trẻ em ở Nigeria, 395 triệu liều ở Pakistan và hơn 150 triệu liều tại Afghanistan.
Tiêm chủng đã dẫn đến giảm đáng kể số lượng trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi do các bệnh truyền nhiễm và cho phép thế giới xóa bỏ bệnh bại liệt.
Theo UNICEF, trong giai đoạn từ năm 2000 – 2015, các trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi vì bệnh sởi đã giảm 85% và tử vong vì uốn ván sơ sinh đã giảm 83%. Ngoài ra, một phần trong kết quả giảm 47% số trường hợp tử vong do viêm phổi và giảm 57% số trường hợp tử vong do tiêu chảy trong giai đoạn này cũng được cho là nhờ được tiêm phòng vắc-xin.
Tuy nhiên, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cũng lưu ý khoảng 19,4 triệu trẻ em trên toàn thế giới vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ mỗi năm. Khoảng 2/3 số trẻ em chưa được tiêm phòng sống ở các nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Những hệ thống y tế yếu kém, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội cũng đồng nghĩa với tình trạng 1 trong 5 trẻ em dưới 5 tuổi năm không được tiêm phòng.
“Tất cả trẻ em, bất kể các em sống ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, đều có quyền sống và thoát khỏi những căn bệnh chết người” – ông Robin Nandy, trưởng cơ quan phụ trách tiêm phòng vắc-xin của UNICEF cho biết. “Từ năm 1990, tiêm phòng đã là một trong những lý do chính làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, song bất chấp tiến bộ này, 1,5 triệu trẻ em vẫn tử vong mỗi năm do các bệnh có thể phòng ngừa thông qua tiêm chủng”.
Theo UNICEF, vào năm 2030, khoảng 1/4 số người sẽ sống tại các cộng đồng nghèo đô thị, chủ yếu là ở châu Phi và châu Á, điều này đồng nghĩa với việc đầu tư các dịch vụ tiêm chủng phải được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể của các cộng đồng và trẻ em./.
Theo Dangcongsan

Ý kiến ()