UNICEF: Hơn 180 triệu người trên thế giới đang thiếu nước uống
Ngày 29/8, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố số liệu thống kê cho thấy, có đến hơn 180 triệu người đang không được tiếp cận với các nguồn nước uống cơ bản tại các nước bị tác động bởi xung đột, bạo lực và bất ổn trên toàn thế giới.
Khi trẻ em không được tiếp cận với nguồn nước uống và các dịch vụ vệ sinh cơ bản thì tình trạng suy dinh dưỡng và dịch bệnh nguy hiểm là một hậu quả khó tránh khỏi. (Ảnh: playforwaternigeria.com)
Trong một báo cáo đưa ra nhân dịp Hội nghị “Tuần lễ Nước thế giới” (từ 27/8-1/9) đang diễn ra ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển, ông Sanjay Wijesekera, người đứng đầu Chương trình nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh toàn cầu của UNICEF (WASH) nêu rõ: “Sự tiếp cận của trẻ em đối với nước sạch và các dịch vụ vệ sinh, đặc biệt tại các khu vực xung đột và trong các tình huống khẩn cấp là một quyền lợi chứ không phải là một sự ưu tiên…Tại những quốc gia bị tác động bởi bạo lực, tình trạng di cư, xung đột và bất ổn, thì các phương tiện sinh tồn cơ bản nhất của trẻ em – là nước sạch – phải được ưu tiên”.
Quan điểm này cũng được Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ cách đây ít lâu với lập luận rằng: “Có một số yêu cầu cơ bản nhất đối với sức khỏe con người, và tất cả các nước trên thế giới có trách nhiệm bảo đảm rằng mọi người có thể tiếp cận với các yếu tố này”.
Theo một công trình nghiên cứu mới đây của UNICEF và WHO thì những người sống trong các hoàn cảnh “dễ bị tổn thương” lại phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nước uống cơ bản cao gấp 4 lần so với các đối tượng khác. Cụ thể, trong tổng số 484 triệu người sinh sống tại các khu vực bất ổn vào năm 2015, thì có tới 183 triệu người thiếu các dịch vụ cung cấp nước uống cơ bản.
Báo cáo chung do UNICEF và WHO công bố cũng cho thấy, cứ 10 người thì có 3 người (tương đương với 2,1 tỷ người trên trái đất) thiếu sự tiếp cận với nguồn nước an toàn tại chính ngôi nhà của mình. Trong khi đó, cứ 10 người thì có 6 người (tương đương 4,5 tỷ người trên trái đất) thiếu các dịch vụ vệ sinh an toàn.
Do ảnh hưởng của cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua, người dân Yemen sinh sống tại các thành phố lớn đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nước sạch bởi các hệ thống cung cấp nước đã bị hư hỏng nặng và không được sửa chữa. Hiện có khoảng 15 triệu người dân Yemen không được tiếp cận thường xuyên với các nguồn nước sạch và thiếu dịch vụ vệ sinh cơ bản.
Trong khi đó, tình hình tại một quốc gia khác ở Trung Đông là Syria cũng không sáng sủa hơn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chính trị đã bước sang năm thứ 7 mà chưa có hồi kết. Theo số liệu thống kê, hiện đang có khoảng 15 triệu người dân Syria, với 6,4 triệu trẻ em trong số này đang thiếu nước sạch. Chưa kể tới việc nước sạch thường được sử dụng như một vũ khí trong các cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ. Chỉ tính riêng trong năm 2016, đã có khoảng 13 vụ phá hoại hệ thống cung cấp nước và đầu độc nguồn nước một cách có chủ đích tại Aleppo, Damascus, Hama, Raqqa và Dara.
Trong khi đó, tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột tại miền Đông Bắc Nigeria, có tới 75% nguồn nước sạch và hạ tầng vệ sinh đã bị hư hại hay phá hủy, khiến 3,6 triệu người lâm vào tình cảnh thiếu thốn các dịch vụ nước sạch cơ bản.
Chiến sự kéo dài tại Nam Sudan trong hơn 3 năm qua cũng khiến khoảng 50% điểm cấp nước trên khắp lãnh thổ quốc gia Đông Phi này bị hư hại, thậm chí là phá hủy hoàn toàn.
“Trong rất nhiều trường hợp, các hệ thống bảo đảm vệ sinh và cung cấp nước sạch đã trở thành mục tiêu bị tấn công, phá hoại hay thậm chí là bỏ mặc cho tới khi không còn sử dụng được. Khi mà trẻ em không còn nước sạch để uống và các hệ thống chăm sóc y tế bị phá hủy, thì tình trạng suy dinh dưỡng và dịch bệnh nguy hiểm như bệnh tả là một hậu quả khó tránh khỏi” – ông Wijesekera nói.
Dẫn chứng cho lập luận trên, UNICEF công bố số liệu cho thấy, tại Yemen, trẻ em chiếm tới hơn 53% trong tổng số hơn 500.000 ca nghi nhiễm dịch tả và bệnh tiêu chảy được ghi nhận. Trong khi đó, Somalia cũng đang phải đối mặt với một đợt bùng phát dịch tả với quy mô lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, với gần 77.000 ca nghi nhiễm mắc tả/tiêu chảy. Nam Sudan cũng được biết đến là một nước từng phải đối mặt với dịch tả tồi tệ nhất, với hơn 19.000 ca nhiễm bệnh tính từ tháng 6/2016.
Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện tại các khu vực bị nạn đói hoành hành tại vùng Đông Bắc Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen, thì có tới gần 30 triệu người, trong đó có 14,6 triệu trẻ em đang khẩn cấp cần tới nguồn nước an toàn. Nếu tình trạng không được cải thiện, tình trạng này sẽ khiến hơn 5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng trong năm 2017, với 1,4 triệu ca trong số này được đánh giá ở mức độ nghiêm trọng./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()