UNICEF đề nghị các lãnh đạo G7 thông qua kế hoạch hành động về bảo vệ người tị nạn và trẻ em di cư
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức tại Italy, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 25/5 đã đề nghị các nhà lãnh đạo G7 thông qua kế hoạch hành động 6 điểm về bảo vệ người tị nạn và trẻ em di cư.
UNICEF đề nghị các lãnh đạo G7 thông qua kế hoạch hành động về bảo vệ người tị nạn và trẻ em di cư
Có ít nhất 36.000 người tị nạn và người di cư được cứu sống kể từ đầu năm đến nay đã được đưa đến Sicily – nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh năm nay, và với tư cách Chủ tịch G7, Italy đã đưa vấn đề di cư trở thành ưu tiên trong các cuộc đối thoại năm nay.
“Sicily được coi là biểu tượng của hi vọng đối với những trẻ em phải dời bỏ nhà cửa để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng cũng là điểm cuối của một hành trình cực kỳ nguy hiểm đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em”, Phó Giám đốc Điều hành của UNICEF Justin Forsyth cho biết.
Theo ước tính mới nhất của UNICEF, ít nhất 200 trẻ em (tương đương 1 trẻ em mỗi ngày) đã thiệt mạng khi băng qua Trung Địa Trung Hải, từ Bắc Phi tới Italy tính từ đầu năm đến nay.
Trong giai đoạn từ 1/1 đến 23/5, hơn 45.000 người tị nạn và người di cư đã đến Italy bằng đường biển, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này bao gồm 5.500 trẻ em bị ly tán và không có người đi kèm, tăng 22% so với năm 2016.
Theo UNICEF, năm 2016 ghi nhận con số cao chưa từng thấy, tới 26.000 trẻ em bị ly tán và không có người lớn đi cùng đã tới Italy, song nếu xu hướng hiện nay kéo dài, một con số kỷ lục mới sẽ được lập trong năm 2017.
Trong khi đó, số trẻ em di cư và tị nạn trên toàn cầu đã đạt con số cao kỷ lục. Theo thống kê giai đoạn 2015 – 2016 tại 80 quốc gia, có ít nhất 300.000 trẻ em bị ly tán và không có người đi kèm, tăng đáng kể so với con số 66.000 em trong giai đoạn 2010 – 2011.
Kế hoạch hành động 6 điểm mà UNICEF đề nghị G7 thông qua bao gồm: Bảo vệ trẻ em tị nạn và di cư, đặc biệt là trẻ em không có người lớn đi cùng, trước tình trạng bị bóc lột và bạo lực; Chấm dứt việc giam giữ trẻ em đang tìm kiếm tị nạn hay nhập cư; Đảm bảo các gia đình không bị ly tán vì đây là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em và trao cho trẻ em vị thế hợp pháp; Đảm bảo cho tất cả trẻ em tị nạn và di cư được đi học và được tiếp cận y tế cũng như các dịch vụ có chất lượng khác; Hối thúc hành động để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến làn sóng di cư và tị nạn trên diện rộng; Tăng cường những biện pháp đấu tranh với nạn bài ngoại, phân biệt đối xử và cách ly ở những quốc gia quá cảnh và điểm đến./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()