Ứng xử với công nghệ trí tuệ nhân tạo
Thế giới đang chứng kiến sự quan tâm của mọi thành phần xã hội đến phần mềm ChatGPT – một sản phẩm chatbot công nghệ của Công ty OpenAI (Mỹ). Đánh giá về các tác động, nhiều nhà quản lý, chuyên gia về công nghệ, pháp luật nhận định, ChatGPT tác động cả mặt tích cực và tiêu cực, dễ thấy nhất trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và nghiên cứu. Do đó, người dùng cần khai thác các giá trị của nó và thận trọng với các mặt trái.
Ảnh: openai.com |
Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX thuộc Tập đoàn FPT đã mua phiên bản Davinci – phiên bản có độ chính xác cao nhất của ChatGPT-cho 5.000 học viên của trường trải nghiệm.
Ông Trần Văn Đăng, Giám đốc Trung tâm Duy trì và Thúc đẩy động lực học tại FUNiX, cho biết FUNiX luôn cởi mở với các công nghệ mới nên ngay khi nắm được thông tin về ChatGPT, đơn vị đã tích hợp ChatGPT để toàn bộ người học tại FUNiX có thể tiếp cận và sử dụng miễn phí ứng dụng này trên hệ thống hỏi đáp nội bộ của nhà trường. Sau hơn một tháng sử dụng, bước đầu là những trải nghiệm của học viên về “cơn sốt” ChatGPT, và để hỗ trợ những kiến thức liên quan bài học.
Hỏi đáp là phương thức học tập cốt lõi của học viên FUNiX, với hình thức người hướng dẫn (mentor) hỗ trợ học viên 1:1. Vì thế, khi có ChatGPT, học viên có thể hỏi, tham khảo ChatGPT trước, người hướng dẫn đỡ công sức trong việc giải đáp cho học viên, chỉ tập trung vào những câu hỏi phức tạp, phát huy vai trò dẫn dắt, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế.
Khi ChatGPT ra đời, việc thi cuối môn, cuối khóa của FUNiX không bị ảnh hưởng vì thi vấn đáp 1:1, nhưng ở một số trường có thể khiến nhà trường phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh. Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX dự kiến sẽ huấn luyện thêm cho ChatGPT các nội dung đặc thù của trường, để câu trả lời có độ chính xác cao hơn, độ trễ thấp hơn.
Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay một số công ty ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đang phát triển phần mềm phát hiện sản phẩm do con người tạo ra hay do ChatGPT tạo ra. Cách xây dựng nội dung của ChatGPT vẫn có khuôn mẫu, cho nên các mô hình trí tuệ nhân tạo khác có khả năng phát hiện được, người dùng không nên quá lo lắng về việc thiếu công cụ kiểm tra.
Một số giảng viên đại học lo lắng trong khi chưa có phần mềm phát hiện việc “đạo văn” từ ChatGPT sẽ là khó khăn cho việc đánh giá năng lực của sinh viên.
Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay một số công ty ở Thung lũng Silicon (Mỹ) đang phát triển phần mềm phát hiện sản phẩm do con người tạo ra hay do ChatGPT tạo ra. Cách xây dựng nội dung của ChatGPT vẫn có khuôn mẫu, cho nên các mô hình trí tuệ nhân tạo khác có khả năng phát hiện được, người dùng không nên quá lo lắng về việc thiếu công cụ kiểm tra.
Một giảng viên cho rằng, trong giáo dục, cụ thể trong Toán học, những sai lầm được “tung” ra là có dụng ý, được tính toán rất cẩn thận theo mục đích dạy, và qua thực tế mới đưa ra được những sai lầm cực hay để giúp người học tư duy, còn sai lầm do ChatGPT tạo ra hoàn toàn do dữ liệu dạy cho công cụ, có thể xa mục đích dạy, tạo ra nhiễu trong dạy học. Do đó, cần cẩn trọng, tránh mất thời gian với những sai lầm do trí tuệ nhân tạo đưa ra.
Từ thực tế trải nghiệm, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, ChatGPT làm tốt phần cung cấp dữ liệu, còn các câu hỏi tư duy để giúp học viên có đủ kiến thức đi làm thì ứng dụng này chưa làm được. Nhưng ChatGPT là chatbot tương tác với người dùng nên nó vẫn tiếp nhận liên tục các phản hồi, đánh giá đúng, sai của người dùng với từng phiên truy vấn và tiếp tục “tự học” để tinh chỉnh kiến thức của mình.
Dưới góc độ nhà khoa học và nhà quản lý, PGS, TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, lâu nay, việc kiểm tra tính trung thực của các nghiên cứu đã có phần mềm hỗ trợ, đưa toàn bộ nghiên cứu vào phần mềm đó sẽ giúp phát hiện ra có “đạo văn” hay không. Nhưng với sự ra đời của ChatGPT, chúng ta rất khó có thể biết được một sản phẩm do con người làm ra hay do công cụ thông minh như ChatGPT thực hiện. Đây là một thách thức rất lớn cho bộ máy quản lý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc đánh giá năng lực thật sự của nhân viên.
Từ thực tế trải nghiệm, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, ChatGPT làm tốt phần cung cấp dữ liệu, còn các câu hỏi tư duy để giúp học viên có đủ kiến thức đi làm thì ứng dụng này chưa làm được. Nhưng ChatGPT là chatbot tương tác với người dùng nên nó vẫn tiếp nhận liên tục các phản hồi, đánh giá đúng, sai của người dùng với từng phiên truy vấn và tiếp tục “tự học” để tinh chỉnh kiến thức của mình.
Bên cạnh đó, nguy cơ lớn hơn nữa là việc chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào công nghệ và kiến thức của các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Bộ dữ liệu gốc mà Công ty OpenAI dùng để “huấn luyện” kiến thức cho ChatGPT là tập hợp rất lớn các văn bản chính thống (khoảng 300 tỷ từ vựng, chủ yếu là văn bản tiếng Anh). Với dữ liệu dựng sẵn này của OpenAI, nó có ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của ChatGPT về các mặt như kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ…
Do đó, giả sử kho tài liệu này chứa các dữ liệu không phù hợp hoàn cảnh kinh tế của nước ta chẳng hạn, khả năng cao là ChatGPT sẽ như một đứa trẻ bị “nhồi” các kiến thức, quan điểm không đúng. Và hệ quả là các phản hồi của nó sẽ không chính xác, dẫn đến nguy cơ nhận thức lệch lạc cho người dùng nếu họ đặt niềm tin quá lớn vào công cụ này.
Người dùng cần có tư duy phản biện, năng lực đánh giá nội dung thông tin khi sử dụng ChatGPT. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia, ngành kinh tế, doanh nghiệp… cần tăng cường truyền tải nội dung, quan điểm chính thống tới các công cụ thông minh như ChatGPT để trở thành dữ liệu huấn luyện cơ bản cho hệ thống học máy của các công cụ thông minh.
Dưới góc độ luật pháp, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ đã có các quy định về bảo hộ tác phẩm và hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm. Theo đó, vấn đề “đạo văn”, lấy ý tưởng của người khác thành của mình có thể được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Tuy nhiên, trước sự phát triển mới và rất nhanh của khoa học và công nghệ, đặc biệt là ChatGPT đã phát sinh vấn đề ai có quyền sở hữu các nội dung ChatGPT tạo ra, con người tạo ra ChatGPT hay chính bản thân ChatGPT.
Bà Trần Nguyệt Minh, chuyên gia về sở hữu trí tuệ của Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt cho rằng, bản chất của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ là để khuyến khích hoạt động sáng tạo của con người, đề cao và ghi nhận sự sáng tạo và tính trí tuệ của từng cá nhân cụ thể.
Theo đó, tác giả phải là con người, tức phải là một hoặc nhiều cá nhân con người cụ thể. Ngoài ra, pháp luật dân sự cũng chỉ đặt ra vấn đề bảo vệ quyền sở hữu của con người. Vì vậy, sự xuất hiện của công nghệ trí tuệ nhân tạo và các sáng tạo của nó đã đặt ra những câu hỏi và thách thức quan trọng về mặt pháp lý cần được giải quyết liên quan chủ thể có quyền sở hữu các nội dung được tạo ra bởi ChatGPT để bảo đảm rằng các sáng tạo được tạo ra phải được tôn trọng và bảo vệ.
Một vấn đề cần quan tâm nữa là khả năng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra bởi ChatGPT. ChatGPT là phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên mô hình dữ liệu lớn, các phản hồi được tạo ra từ các bộ dữ liệu khác nhau, do đó nó có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các tác phẩm đã được bảo hộ. Việc tạo ra mô hình ChatGPT trên cơ sở các thông tin, tài liệu được bảo hộ quyền tác giả và khi các hệ thống này được sử dụng rộng rãi hơn, có nguy cơ là chúng có thể vô tình hoặc cố ý tạo ra các nội dung vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ của người khác hoặc các nội dung trùng lặp với nội dung do ChatGPT khác tạo ra. Vì thế, người sử dụng nội dung do ChatGPT tạo ra có thể cũng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trước mắt, người dùng cần khai thác ChatGPT để phục vụ cuộc sống, học tập, tránh lạm dụng để biến mình thành người lười nhác, thiếu sáng tạo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()