Ứng xử thiếu văn minh trên môi trường mạng
Theo khảo sát được công bố mới đây của Microsoft, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số văn minh (DCI) thấp trên không gian mạng. Mặc dù có nhiều ý kiến chưa đồng tình với đánh giá này, tuy nhiên nếu nhìn vào một số vụ việc gần đây không thể không lo ngại về tình trạng ứng xử thiếu văn minh của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội trong nước hiện nay.
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống bạo lực học đường và văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho các em học sinh tại Trường THCS Hợp Ðức, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Câu chuyện trở thành tâm điểm trên mạng xã hội những ngày qua liên quan đến Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi. Sau đăng quang, Ý Nhi có một số phát ngôn về bản thân được cho là kém tinh tế khiến dư luận không hài lòng. Mặc dù đã công khai xin lỗi trong một buổi livestream nhưng Ý Nhi vẫn không nhận được sự cảm thông từ phía cộng đồng. Nhóm anti hoa hậu được lập ra có số lượng thành viên tăng nhanh hiện lên tới hơn 200.000.
Ðáng chú ý trên diễn đàn này nhiều người đã sử dụng ngôn ngữ mang tính miệt thị, xúc phạm khi bình luận về các phát ngôn của hoa hậu, cũng như ngang nhiên xâm phạm đời tư của cô. Không dừng lại ở đó, một số người hâm mộ quá khích còn tràn vào trang fanpage của Huỳnh Trần Ý Nhi và để lại những bình luận chê bai, thậm chí đòi Ban tổ chức cuộc thi tước danh hiệu hoa hậu của cô. Sự việc lập tức thu hút sự chú ý của khán giả quốc tế. Nhiều người bày tỏ sự thất vọng về cách hành xử của người hâm mộ Việt Nam.
“Ðây là fanpage của Hoa hậu Thế giới, hãy cư xử văn minh và lịch sự. Người hâm mộ quốc tế không thích điều đó”- một tài khoản đáp trả lại bình luận của người hâm mộ Việt. Từ đây cho thấy những bình luận cực đoan, hành xử theo tâm lý đám đông của cộng đồng mạng đã vô tình làm mất đi thiện cảm của bạn bè thế giới đối với Việt Nam.
Nhiều người vẫn nhớ sự việc xảy ra cách đây không lâu, do không hài lòng về việc trọng tài từ chối quả phạt đền của đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với UAE, không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã tấn công trang cá nhân của ông bằng những lời miệt thị nặng nề.
Trước đó, một trọng tài quốc tế khác cũng bị chỉ trích nặng nề của người hâm mộ Việt Nam trên trang cá nhân vì bỏ qua một số lỗi cầu thủ Indonesia mắc phải trong trận đấu gặp đội tuyển Việt Nam. Sự nóng nảy, bình luận thiếu kiềm chế của một số khán giả Việt Nam trên mạng xã hội đã khiến cho người hâm mộ bóng đá quốc tế ngán ngẩm. Truyền thông quốc tế từng nhắc về bóng đá Việt Nam như một điểm sáng trong khu vực nhưng lối ứng xử kém văn minh của một số người hâm mộ Việt như vậy lại là một điểm trừ.
Phát ngôn thiếu trách nhiệm, thậm chí thóa mạ, vùi dập người khác không còn là chuyện hiếm trên mạng xã hội hiện nay. Báo chí và các phương tiện truyền thông đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, phê phán nhưng hiện tượng này không có dấu hiệu giảm bớt, thậm chí còn có xu hướng xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Khi không hài lòng về một phát ngôn hay một quan điểm khác biệt của ai đó, nhất là những người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng trong xã hội, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội sẵn sàng lập hội nhóm nói xấu, công kích, chê bai, tẩy chay… Ðáng nói là rất nhiều người tham gia vào các hội nhóm hành xử theo tâm lý đám đông, không cần tìm hiểu rõ ràng, kỹ lưỡng nguồn gốc vấn đề, chỉ là thấy người khác chửi thì mình cũng hùa theo. Hội chứng thiếu lành mạnh này có biểu hiện ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cộng đồng, nhất là giới trẻ.
Thực tế đã có không ít chuyện đau lòng về hậu quả của nạn tấn công, bắt nạt trên mạng xã hội. Có người bị sang chấn tâm lý, trầm cảm, thậm chí tự tử sau khi bị công kích, nói xấu trên mạng. Không ít nhãn hàng, cơ sở kinh doanh phải điêu đứng vì phong trào “đánh giá 1 sao” hay kêu gọi tẩy chay của các hội nhóm trên mạng.
Thí dụ, năm 2019, sau sự kiện một vlogger mâu thuẫn với một khu nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, một nhóm người hâm mộ của người này đã tràn vào các nền tảng dịch vụ để đánh giá “1 sao” về đơn vị này. Thậm chí có những khu nghỉ dưỡng, khách sạn cùng tên, mặc dù không liên quan đến vụ việc cũng bị vạ lây chỉ bởi người tham gia cộng đồng mạng hễ gặp cái tên mình ghét là “nhấn chuột” hạ thấp điểm uy tín, không cần biết đúng sai.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam có tính a dua, hay chửi bới và dễ bị “dắt mũi”. Ðiều này càng nguy hại hơn khi số lượng người sử dụng mạng xã hội không ngừng tăng lên.
Thống kê mới nhất của We are social (công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu) Việt Nam hiện có khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội, trung bình mỗi ngày một người sử dụng internet 6 giờ 23 phút. Mạng xã hội đang trở thành một phần không gian sống quan trọng đối với mỗi người, kèm theo đó là nguy cơ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tình trạng bắt nạt, tấn công trên mạng xã hội.
Không thể phủ nhận những lợi ích tốt đẹp của mạng xã hội trong việc chuyển tải những thông điệp nhân văn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống đến cộng đồng. Ðáng tiếc là hiện đang có một bộ phận không nhỏ người trẻ sử dụng mạng xã hội theo một khía cạnh tiêu cực. Họ ít chịu lắng nghe, thể hiện cái tôi của mình quá lớn, không phân biệt được tin thật, tin giả, dễ bị đám đông lôi kéo, lợi dụng, sẵn sàng chửi bới, thóa mạ, cãi cọ để chứng minh quan điểm của mình.
Thay vì chịu khó học tập, một số người trẻ đã trở thành “thánh phán” trên mạng xã hội, nghĩa là chuyện gì cũng phán xét, bình phẩm, sẵn sàng sử dụng ngôn ngữ chợ búa tấn công người khác để nổi tiếng, hay đơn giản là để thỏa mãn cái tôi ích kỷ của mình. Trong một cuộc tọa đàm về văn hóa mạng gần đây, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia-GS, TS Từ Thị Loan đưa ra nhận định: “Rất nhiều những người trẻ tham gia mạng xã hội đọc tin tức, giải trí, chơi game và chat chứ không sử dụng làm công cụ học tập, nghiên cứu để phát triển bản thân”.
Thời gian qua các cơ quan chức năng và các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới đã hành động quyết liệt nhằm giảm thiểu các nội dung xấu độc trên mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, gỡ 12 tài khoản, 54 trang quảng cáo, nền tảng YouTube gỡ 6.101 video, 7 kênh, TikTok gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản vi phạm.
Những hành vi vi phạm Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, vi phạm Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, những can thiệp của cơ quan chức năng thường có độ trễ về thời gian và trong một số trường hợp khi những nội dung độc hại được gỡ bỏ thì cũng đã kịp tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội.
Những hành vi ứng xử thiếu văn minh trên mạng như thóa mạ, bôi xấu, ác ý với người khác còn thuộc phạm trù đạo đức, theo đó cần nhìn nhận gốc rễ của vấn đề là nền tảng giáo dục, trong đó quan trọng là giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường đối với các bạn trẻ. Vì thế, giải pháp căn cơ để giảm thiểu tình trạng cư xử thiếu văn minh trên mạng như hiện nay cần phải được bắt đầu từ nền tảng giáo dục. Trong gia đình, cha mẹ cần phải gần gũi, chủ động hướng dẫn con cái các nguyên tắc đạo đức trong ứng xử từ đời thực đến mạng xã hội. Cha mẹ phải là tấm gương trong đánh giá, bình phẩm, nhận xét một ai đó.
Về phía nhà trường, ngoài việc dạy văn hóa, thì các chuyên đề sinh hoạt liên quan đến kỹ năng sử dụng mạng xã hội cần được tổ chức thường xuyên, giúp các bạn trẻ nhận diện rõ ràng quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình khi làm một “công dân mạng”. Giáo dục nền tảng đạo đức và bồi dưỡng năng lực hành vi nhân văn, lành mạnh, tích cực sẽ giúp giới trẻ bỏ dần những thói quen xấu là chạy theo thông tin tiêu cực và vội vàng phán xét người khác nhằm thỏa mãn cái tôi của mình. Ðồng thời toàn xã hội cần đặt vấn đề nghiêm túc và sâu sắc về việc xây dựng văn hóa trên mạng xã hội cho người sử dụng, đặc biệt là lớp trẻ. Vấn đề này không thể tách rời vấn đề xây dựng văn hóa con người trong thời đại mới.
Một môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh dù ngoài đời thực hay trên mạng internet phụ thuộc rất nhiều vào giới trẻ. Thế hệ Y và Z phải trở thành lực lượng chủ đạo với những hành vi ứng xử văn minh, thông qua việc học hỏi để thay đổi chính mình, tránh dễ dãi a dua theo các trào lưu vô bổ, thiếu lành mạnh.
Năm 2019, hãng Microsoft từng phát động phong trào “Thử thách văn minh trực tuyến” với 4 nội dung chính: “Một là, cư xử theo quy tắc vàng: đồng cảm, trắc ẩn và tử tế. Hai là, tôn trọng sự khác biệt. Ba là, nghĩ trước khi bình luận về vấn đề mình phản đối. Cuối cùng là đấu tranh cho người khác và bản thân khi thấy bất cứ ai hoặc chính mình trở thành đối tượng của tấn công mạng”. Tương đồng với những nội dung này, ý kiến của chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh gần đây trong tọa đàm: “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ-Like day” cũng rất đáng để suy ngẫm: “Mỗi người nên có những lưới lọc mà triết gia Socrates đặt ra. Lưới lọc thứ nhất là sự thật, anh có chắc điều mình nói là sự thật không.
Lưới lọc thứ hai là sự tử tế, anh có chắc điều anh nói ra với tôi sẽ tốt cho tôi không. Lưới lọc thứ ba là có hữu dụng cho ai không, hay nói ra chẳng để làm gì”. Quay trở lại câu chuyện nhóm anti hoa hậu, thiết nghĩ, nếu mỗi người cần tỉnh táo sử dụng bộ lọc tốt trước khi đưa ra ý kiến của mình theo những nguyên tắc trên, chắc chắn hình ảnh người hâm mộ Việt đã không trở nên xấu xí trong mắt khán giả quốc tế.
Công nghệ đang mở ra vô vàn cánh cửa cho mỗi người, cho mỗi quốc gia, để giới thiệu và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của mình ra thế giới. Ở tầm quốc tế, không quá khi nói rằng mỗi người Việt trên mạng xã hội đang là một sứ giả của văn hóa, giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Nâng cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội chính là góp phần xây dựng môi trường sống, môi trường văn hóa trở nên lành mạnh, văn minh hơn.
Nguồn:https://nhandan.vn/ung-xu-thieu-van-minh-tren-moi-truong-mang-post766212.html
Ý kiến ()