Ứng viên sáng giá vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc
Theo New York Times, Lưu Kiến Siêu là nhà ngoại giao có kỹ năng bảo vệ các quan điểm ngoại giao khó khăn mà không tỏ ra quá cứng rắn của Trung Quốc.
Đối mặt với sự suy giảm đầu tư từ nước ngoài, Trung Quốc tìm cách làm dịu đi hình ảnh của mình ở Mỹ và châu Âu, đồng thời tỏ ra thân thiện với một số nước láng giềng. Một nhà ngoại giao được cho là đóng vai trò nổi bật trong sự thay đổi cách tiếp cận này.
Đó là Lưu Kiến Siêu, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan thúc đẩy hệ tư tưởng và ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài. Nhiều hoạt động gần đây của ông khiến các nhà phân tích cho rằng ông đang được thử thách cho vị trí ngoại trưởng tiếp theo của Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, việc bổ nhiệm một bộ trưởng ngoại giao mới, có thể ngay trong tháng 3, sẽ giúp ổn định bộ máy ngoại giao của nước này sau cuộc cải tổ mạnh mẽ vào năm ngoái.
Ông Lưu Kiến Siêu.
Khi Ngoại trưởng Tần Cương đột ngột bị miễn nhiệm, người tiền nhiệm – ông Vương Nghị được tái bổ nhiệm vào chức vụ này. Ông Vương cũng là chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, một vị trí thường do một người khác với bộ trưởng ngoại giao nắm giữ.
Theo các nhà phân tích, nếu ông Lưu được bổ nhiệm, điều này sẽ báo hiệu sự rời bỏ chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc, ít nhất là về giọng điệu.
Là người nói tiếng Anh lưu loát và từng học một thời gian ngắn tại đại học Oxford, ông Lưu có sở trường bảo vệ những lập trường gay gắt nhất của Bắc Kinh mà không tỏ ra gay gắt. Ông được coi là một người trung thành với đảng, từng giúp lãnh đạo một chiến dịch nhằm đưa các doanh nhân và quan chức tham nhũng từ nước ngoài về.
Nhiều người đã gặp ông Lưu nói rằng ông thân thiện và có sức hút hơn các quan chức Trung Quốc khác, có vẻ thoải mái cả với những thứ nằm ngoài kịch bản.
Danny Russel, Phó chủ tịch cơ quan nghiên cứu Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ, bình luận: “Lưu là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, người mang đến sự tự tin thoải mái của một cán bộ đảng cấp cao trong các cuộc đối thoại của mình. Đây là điều hầu hết các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, những người thận trọng, thường thiếu”. Ông Russel từng nói chuyện với ông Lưu tại một cuộc họp.
Tại một sự kiện ở New York, ông Lưu hạ thấp mức độ nghiêm trọng về tình trạng kinh tế của Trung Quốc, bảo vệ mối quan hệ của Bắc Kinh với Moskva và coi đất nước của ông là một quốc gia hòa bình không quan tâm đến việc thay đổi trật tự quốc tế hiện tại hay tạo ra một trật tự quốc tế mới.
Ông nói tại cuộc tọa đàm do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tổ chức: “Chúng tôi là một trong những người xây dựng trật tự thế giới hiện tại và đã được hưởng lợi từ nó”.
Nhận xét này thể hiện rõ quan điểm của Trung Quốc, theo Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington. Trung Quốc chỉ ủng hộ một số khía cạnh của trật tự toàn cầu, chẳng hạn như ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng lại phản đối các khía cạnh khác mà họ coi là thách thức, chẳng hạn như NATO do Mỹ lãnh đạo.
Tuy nhiên, bà Sun cho rằng, điều quan trọng là một quan chức cấp cao của Trung Quốc chọn nêu bật ý định của Bắc Kinh về trật tự toàn cầu vì điều này “nhằm mục đích hạ thấp nhịp độ và nhiệt độ”trong mối quan hệ với Washington.
Ông Lưu thăng tiến trong các cấp bậc của Bộ Ngoại giao, đầu tiên là phiên dịch viên và sau đó là phát ngôn viên, nổi tiếng nhờ làm việc với giới truyền thông nước ngoài trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Sau đó, ông giữ chức đại sứ tại Philippines và Indonesia.
Năm 2015, ông Lưu đảm nhận công việc trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Trong vai trò đó, ông Lưu đã thể hiện kỹ năng đàm phán của mình, thu hồi số tiền lớn của những người bỏ trốn và “tóm lưới” những nhân vật như “trùm buôn lậu” Lai Changxing. Lai đã bị kết án và hiện đang thụ án tù chung thân.
Ông Lưu đã củng cố uy tín của mình một lần nữa vào năm 2017 khi được bổ nhiệm làm quan chức chống tham nhũng hàng đầu ở tỉnh Chiết Giang, nơi ông Tập từng làm Bí thư Tỉnh uỷ. Được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại năm 2022, ông gặp gỡ các bộ trưởng ngoại giao trên khắp thế giới – giúp Trung Quốc tiếp cận các kênh ngoại giao hỗ trợ hiếm khi được công bố. Khi ở Mỹ vào tháng 1, ông Lưu đã gặp Ngoại trưởng Antony J. Blinken, trong một cuộc gặp hiếm hoi giữa người đứng đầu đương nhiệm của ban liên lạc đối ngoại và một ngoại trưởng.
Trung Quốc và Mỹ ổn định quan hệ vào tháng 11 sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden ở bên ngoài San Francisco. Tuy nhiên, căng thẳng có thể bùng phát trở lại do một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết – bao gồm Đài Loan và các hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.
Tại Anh, ông Lưu báo hiệu quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích của mình một cách vững chắc. Tại một hội thảo ở Anh vào mùa hè năm ngoái, ông được hỏi về ngoại giao “chiến lang”.Ông đáp lại theo cách hòa nhã điển hình của mình, giải thích rằng Trung Quốc muốn kết bạn trên toàn thế giới. Nhưng “khi Trung Quốc chịu áp lực và các chính sách của Trung Quốc cũng chịu áp lực, chúng tôi thể hiện tinh thần chiến đấu”.
Nguồn: https://vtc.vn/ung-vien-sang-gia-vi-tri-bo-truong-ngoai-giao-trung-quoc-ar853330.html
Theo vtc.vn
Ý kiến ()