1
89
5025257
149
Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 3: Đồng bộ giải pháp - Báo Lạng Sơn
https://baolangson.vn/ung-pho-voi-la-nina-nhin-tu-bao-yagi-bai-3-dong-bo-giai-phap-5025257.html
longform
Ứng phó với La Nina-Nhìn từ bão Yagi - Bài 3: Đồng bộ giải pháp

Cover

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Tác động của cơn bão số 3 (bão Yagi) tới Việt Nam được cho mới chỉ là khởi đầu cho nhiều hình thái thiên tai cực đoan trong thời kỳ La Nina tồn tại. Làm thế nào để ứng phó với La Nina, ứng phó với các hình thái thiên tai cực đoan để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và của là câu hỏi cấp bách cần lời giải.

Trong Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 vừa được tổ chức cuối tháng 9-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với thiên tai, trong đó nhấn mạnh việc đồng bộ các giải pháp với sự vào cuộc từ Trung ương tới địa phương và sự tham gia của toàn dân.

Ảnh tràn viền

Thực tế từ việc ứng phó với bão số 3 cho thấy, muốn giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai, cần phải giành “thế chủ động”, điều đó đồng nghĩa với việc không được để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, bị động trong công tác phòng tránh.

Muốn giành “thế chủ động” thì sự lãnh đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương được coi là yếu tố tiên quyết. Trong bão số 3, ngay từ khi bão bắt đầu hình thành trên Biển Đông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung theo sát tình hình, triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau bão, ban hành hàng loạt công điện, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt và khẩn trương.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, công tác chuẩn bị “bốn tại chỗ” tại các địa phương có vai trò rất quan trọng, trong đó có sự tham gia tích cực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng chức năng địa phương.

Trước bão, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Công điện, thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại TP Hải Phòng để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó khẩn cấp tại hiện trường theo phương châm “bốn tại chỗ”; khi bão xảy ra, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ; nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đi kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Công điện để chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, sạt lở, bảo đảm an toàn đê điều. Sau bão, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành 4 công điện, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương cũng trực tiếp dành thời gian đi thăm hỏi, động viên nhân dân, các lực lượng đang làm nhiệm vụ và chỉ đạo việc tìm kiếm, cứu nạn.

Các bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hơn 50 công điện, văn bản, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công Thương… đã ban hành các công điện, đồng thời triển khai các đoàn công tác. Các địa phương đã ban hành hơn 300 công điện, tổ chức gần 150 đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ.

Ảnh tràn viền

Sự chung tay của cộng đồng với tinh thần “lá lành đùm lá rách” là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 vừa được tổ chức cuối tháng 9-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phòng, chống, khắc phục hậu quả bão được làm tương đối tốt và hạn chế tối đa thiệt hại có thể, nhất là về người. Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, những năm qua công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai ngày càng chặt chẽ, quyết liệt, bám sát thực tiễn.

Thực tiễn phòng, chống thiên tai trong nhiều năm qua cũng cho thấy, sự lãnh đạo quyết liệt, kịp thời, từ sớm, từ xa, từ Trung ương đến địa phương, sự điều hành nhất quán, đồng bộ, xuyên suốt, phản ứng kịp thời và trực tiếp tại hiện trường đã góp phần hạn chế tối đa mức độ thiệt hại của thiên tai.

Ảnh tràn viền

Khoản 3, Điều 4, Luật phòng, chống thiên tai năm 2013 đã quy định rõ một trong những nguyên tắc cơ bản của phòng, chống thiên tai là phương châm “bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả). Khi ứng phó với bão số 3, các địa phương đã phát huy tốt phương châm này.

Cao Bằng là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, sạt lở đất khi bão số 3 đi qua. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng Đào Nguyên Phong cho biết, sự chuẩn bị lực lượng và vật tư tại chỗ, nhất là cán bộ, chiến sĩ quân đội và cơ quan chức năng đã giúp nhanh chóng xử lý sạt lở, tìm kiếm các nạn nhân mất tích và giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Đây là minh chứng rõ ràng cho tính hiệu quả của việc áp dụng triệt để phương châm “bốn tại chỗ”. Đại tá Lê Quốc Thành, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Cao Bằng cho biết, công tác chuẩn bị “bốn tại chỗ” của lực lượng vũ trang tỉnh được thực hiện chu đáo, có tính tới các tình huống đặc thù của địa phương. Chính vì thế, trong cơn bão số 3, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng luôn là lực lượng đầu tiên có mặt tại hiện trường, đóng góp đáng kể vào công tác khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ảnh tràn viền

Sự quan tâm, động viên của cán bộ, chiến sĩ và lãnh đạo địa phương giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, thiệt hại do thiên tai để ổn định cuộc sống.

Qua thực tế tại tỉnh Sơn La cho thấy, việc ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” với các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh như: Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán... rất quan trọng. Việc huy động người, phương tiện tại chỗ đến ứng cứu các điểm xảy ra thiên tai nhanh chóng, góp phần bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, từ những căn cứ dự báo, cảnh báo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương ra thông báo tới các huyện, thành phố để chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại chỗ sẵn sàng ứng cứu, đồng thời, di dời người và tài sản đến nơi an toàn, chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế nhanh nhất. Năng lực chỉ huy tại chỗ và khả năng ứng phó của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ” là quan trọng nhất. Khả năng phán đoán, nhận định tình hình để chỉ huy phương án ứng phó phù hợp, sát với tình hình thực tế sẽ góp phần không nhỏ vào việc giảm nhẹ thiệt hại cho địa phương.

Ảnh tràn viền

Cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng và các lực lượng tham gia dọn dẹp khu vực bị sạt lở đất ở xóm Lũng Lỳ (Ca Thành, Nguyên Bình, Cao Bằng).

Tại Hội nghị công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đưa nhận định, khi thiên tai xảy ra, không được mất bình tĩnh trước các tình huống ngoài mong đợi; quán triệt và tổ chức ứng phó hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ” để bảo vệ tốt nhất tính mạng và tài sản của nhân dân.

Là Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, Bộ CHQS tỉnh Lào Cai đã chủ trì phối hợp, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Theo Đại tá Phạm Hùng Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai, để phòng tránh thiên tai và các thảm họa tương tự như bão số 3, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh duy trì nghiêm chế độ ứng trực ở các cấp, thường xuyên theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết. Thực hiện tốt nguyên tắc “ba sẵn sàng” và phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.

Ảnh tràn viền

Biến đổi khí hậu đã làm các hiện tượng thời tiết cực đoan biến động mạnh và diễn biến bất thường, gây nhiều thiệt hại, tổn thất về tài sản tính mạng của người dân. Một trong những cách để giảm thiểu thiệt hại mức thấp nhất chính là dự báo đúng, trúng, sát hình thái thời tiết cực đoan. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có sự quan tâm, đầu tư phát triển mạng lưới quan trắc hiện đại; nghiên cứu ứng dụng công nghệ và đào tạo bồi dưỡng nhân lực. Tuy nhiên, để dự đoán đúng, trúng thiên tai xảy ra theo thời gian thực vẫn là bài toán hóc búa.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có 3.000 trạm quan trắc đo lượng mưa, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Để kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai, hiện hầu hết các bản tin dự báo bão đã được phát sớm đến 3 ngày và cảnh báo sớm đến 5 ngày. Việc dự báo tin áp thấp nhiệt đới cũng được nâng lên đến 2 ngày và cảnh báo đến 3 ngày… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm, có tính bất ngờ và thường để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản như lũ quét và sạt lở đất vẫn rất khó dự báo một cách chính xác. Dù vậy, không phải thấy khó mà không làm!

Ảnh tràn viền

Ngay trong bão số 3, từ khi bão chưa đổ bộ vào Việt Nam, tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các dự báo viên đã làm việc xuyên ngày, đêm, theo sát diễn biến bão, vừa nắm thông tin quan trắc từ các trạm trên đất liền và theo dõi các thông tin khác cảnh báo về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực bị ảnh hưởng. Trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cứ mỗi tiếng lại có một bản tin nhanh cập nhật diễn biến mới nhất của bão số 3 và cứ 3 tiếng lại có tin khẩn. Tại hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, các đại biểu cũng đánh giá cao công tác dự báo đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định, sát tình hình, diễn biến.

Một trong những bài học kinh nghiệm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới trong ứng phó với thiên tai chính là dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm, từ xa. Rõ ràng, trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư cho ngành khí tượng thủy văn để đảm bảo dự báo khí tượng thủy văn hằng ngày trong điều kiện bình thường có độ tin cậy đạt 85-90%; dự báo, cảnh báo sớm, tin cậy các thiên tai khí tượng thủy văn.

Sau những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, nhiều địa phương tại miền Bắc đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, tìm ra những bài học cho việc ứng phó với các thảm họa tương tự trong tương lai, đặc biệt là biến đổi khí hậu gắn với La Nina. Một trong những bài học được nhắc đến nhiều nhất chính là nâng cao công tác tuyên truyền ý thức chủ động phòng, chống thiên tai của các địa phương và của nhân dân. Đây được cho là một trong những biện pháp có vai trò quan trọng, hạn chế tối đa thiệt hại.

Ảnh tràn viền

Khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại xóm Lũng Lỳ (Ca Thành, Nguyên Bình, Cao Bằng).

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, cần tập trung các giải pháp tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của chính quyền cơ sở, cộng đồng để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống thiên tai; các tổ dân phố, thôn, xóm thường xuyên phát thông tin trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai để nhân dân nắm được và chủ động ứng phó.

Theo ông Phạm Đức Luận, công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống, ứng phó với các hình thái thiên tai cực đoan cần được thực hiện kịp thời, với tần suất, thời lượng tuyên truyền thường xuyên, liên tục, trên nhiều phương tiện, qua nhiều hình thức (facebook, zalo, SMS, hệ thống loa truyền thanh...), giúp người dân yên tâm, bình tĩnh, chủ động trong phòng ngừa, ứng phó.

Kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế

Đầu tư cho các giải pháp phòng, chống thiên tai đòi hỏi nguồn lực rất lớn, do đó việc kêu gọi sự hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật cho công tác này được xem là cách làm hiệu quả, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Có thể kể đến như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (dự án GCF) triển khai tại 7 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau từ năm 2017 đến nay đã hoàn thành.

Từ năm 2018, gia đình anh Đinh Văn Đường, ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau được Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi phối hợp với dự án GCF giao 4 ha đất ngập mặn để trồng rừng. Anh đào các rạch nước xen kẽ, lấy đất đắp thành những dải đất cao, sau đó trồng cây đước thành rừng. Năm 2019, gia đình anh Đường được Dự án GCF hỗ trợ tiền mua con giống thủy sản để thả nuôi dưới các rạch nước trong rừng do gia đình quản lý.

“Trồng rừng ngập mặn không những cản được bão gió, hạn chế xói lở mà dưới tán rừng, gia đình tôi còn nuôi tôm, cua, ốc... theo hình thức quảng canh. Với 4ha rừng ngập mặn nuôi tôm, bình quân mỗi tháng gia đình tôi bán tôm được 24 - 28 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 15 triệu đồng. Ngoài con tôm, trung bình mỗi năm thu hoạch 150 - 200kg cua bể, bán được cho thương lái với giá 200.000 đồng/kg, được thêm 40 triệu đồng”, anh Đường chia sẻ.

Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, 4.260ha rừng ngập mặn được phục hồi chính là các thành lũy chống lại những cơn bão và lũ lụt sắp tới, là trung tâm đa dạng sinh học quan trọng, tạo ra hệ sinh thái phong phú, từ đó hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Lời kết: Những thiệt hại từ thiên tai gây ra là rất lớn, với yêu cầu “đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết” như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, xuyên suốt, nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương được cho là giải pháp hữu hiệu, góp phần ứng phó hiệu quả với các hình thái thời tiết cực đoan, trong đó có La Nina.

Ảnh tràn viền