Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng phát triển, là mảnh đất màu mỡ, trù phú và là trung tâm lớn sản xuất lúa gạo (chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu) cũng như nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản (chiếm gần 60%), phát triển du lịch…Vùng chiếm 20% dân số Việt Nam và đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, 70% sản lượng trái cây cả nước, trong đó, TP. Cần Thơ đóng vai trò là trung tâm chính.
Thực trạng tốc độ nước biển dâng là khoảng 3 mm/năm nhưng trước tình trạng biến đổi khí hậu thì kịch bản mới cập nhật năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay nước biển sẽ dâng khoảng 53 cm cho bờ Biển Đông và 55 cm ở bờ biển phía Tây, tới năm 2100 khu vực này sẽ ngập sâu hơn 1 m (khiến 39% diện tích bị ngập mặn).
Bên cạnh đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc ứng phó hạn, mặn đang là vấn đề cấp bách để bảo vệ sản xuất và nguồn nước sinh hoạt cho người dân, cả trong ngắn hạn và lâu dài. Hạn, mặn khốc liệt trong năm 2015- 2016 khiến nhiều tỉnh, thành phố phải công bố thiên tai. Theo ước tính, tổng thiệt hại do hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong niên vụ qua là khoảng 7.900 tỷ đồng với gần 400.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng dòng chảy vào Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm với trung bình mỗi năm khoảng 1,87 tỷ mét khối (tương đương khoảng 120 m3/giây), gây sụt giảm lượng nước trữ trong mùa khô. Ngoài ra, tổng lượng lũ giảm và thời gian lũ có thể kéo dài hơn khiến nhiều nơi sẽ không có lũ. Và con số này sẽ tiếp tục giảm thêm nếu các đập trên dòng chính sông Mekong ở Lào và Campuchia đi vào hoạt động.
Việc thay đổi chế độ dòng chảy đến đồng bằng, đặc biệt là suy giảm dòng chảy mùa cạn sẽ làm suy giảm lượng phù sa đến đồng bằng và làm gia tăng các điều kiện khí hậu cực đoan và thiên tai, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.
Cùng với đó là hiện tượng sụt lún đất ở khu vực này cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy cho đời sống cư dân nơi đây, sụt lún đất một phần cũng là do khai thác nước ngầm quá mức và do thiếu phù sa bù đắp. Đó là vấn đề gia tăng xâm nhập mặn là những tác động lớn đối với đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, sụt lún đồng bằng do thiếu phù sa bù đắp là nguy cơ lâu dài và nghiêm trọng nhất đối với khu vực này.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên – Môi trường công bố, kết quả nghiên cứu của Na Uy ở Cà Mau trong 20 năm gần đây cho thấy, bờ biển bị lùi vào sâu trong đất liền 100m đến 1,4km. Nhiều nơi bị sụt lún đến 20- 70 cm.
Tại các mốc cao độ khu vực T. Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lún khoảng 0-5cm/10 năm tại phía Nam Kiên Giang, TP.Cần Thơ và các tỉnh phía Đông sông Hậu như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và Đồng Tháp. Lún từ 5-10cm/10 năm tại Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng. Kết quả nghiên cứu của Hà Lan, khu vực ven biển cũng có tốc độ lún trung bình 2- 4 cm/năm và vẫn tiếp tục gia tăng theo thời gian.
Khi bị tác động thủy văn bất thường, những hiện tượng thời tiết cực đoan của biến đổi khí hậu, cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của TP.Cần Thơ, một địa phương nằm sâu trong đất liền cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua. Tại nhiều đô thị ở TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp… thời gian qua cũng ghi nhận được tình trạng phổ biến thường gặp mỗi khi mưa lớn kết hợp với triều cường là đường phố bị ngập sâu. Rõ ràng là biến đổi khí hậu và những tác động của thay đổi dòng chảy sông Cửu Long, đã không chỉ là vấn đề của từng địa phương riêng lẻ, là vấn đề môi trường hay sản xuất, mà chính là vấn đề phát triển bền vững của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đã có nhiều quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội của đồng bằng, quy hoạch phát triển ngành và địa phương, nhiều nỗ lực, chương trình, dự án về phát triển và bảo vệ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên những nỗ lực này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đồng thời phải có sự liên kết toàn vùng và phải mang tính dài hạn mới có thể khắc phục được những tác động to lớn do biến đổi khí hậu đã và đang gây ra cho khu vực này.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, vì trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt và đất đai ngày càng hạn chế, sản xuất lúa rất tốn nước ngọt nhưng giá gạo quá thấp, dân trồng lúa không hưởng lợi bao nhiêu. Chính vì vậy, đối với cây lúa, chỉ giữ diện tích lúa tại vùng phù sa có đầy đủ nước ngọt đầu nguồn. Hạn chế lúa vụ 3 để lấy nước, đồng ruộng được phù sa, phát triển các loài thủy sinh, cây sen, súng, cá tôm. Chuyển các diện tích lúa bấp bênh đầu tư cao (vùng phèn, mặn) sang nuôi trồng cây con có giá trị cao, như liên liếp trồng cây ăn trái thích hợp, nuôi cá đồng, nuôi tôm…
Tiến sỹ Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thực tế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần đảm bảo nước ngọt cho khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, đủ để người dân sống và việc đảm bảo nước ngọt cho diện tích này sẽ dễ dàng hơn (hiện đang quy hoạch đất chuyên trồng lúa ở khu vực này 1,7 triệu ha), còn khoảng 500.000 ha nhiễm mặn có thể trồng lúa mùa đặc sản và tôm 1 vụ, sẽ có giá trị cao.
Cũng theo các chuyên gia về môi trường, để tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, trước hết phải xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả hơn hệ thống pháp luật về biến đổi khí hậu.
Theo đó, việc xây dựng pháp luật về lĩnh vực này cần phù hợp với thực tiễn của đất nước, đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, sớm ban hành Luật Biến đổi khí hậu có tính khả thi cao, tạo căn cứ pháp lý, hành lang pháp lý để quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu ở nước ta nói chung và tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng được thực hiện tốt hơn.
Bên cạnh đó, các nghị định và văn bản dưới luật cũng phải được xây dựng phù hợp với những quy định trong luật, tránh tình trạng luật và văn bản dưới luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. Ngoài ra, Luật Quy hoạch cũng cần được ban hành để điều chỉnh các hoạt động quy hoạch trên phạm vi toàn quốc.
Mặt khác chúng ta khẩn trương xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng nâng cao tính hiệu quả của tổ chức bộ máy, phù hợp với chủ trương tinh giản bộ máy trong giai đoạn hiện nay. Tinh giản cần gắn với việc tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho khoa học, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn để có thể truy trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra sai phạm, tránh trùng lắp, chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo phân cấp cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, chú trọng hơn đến tính liên ngành, liên vùng, kết nối giữa các địa phương trong khu vực đồng bằng để tránh tình trạng các chính sách được thực hiện tại các địa phương trong khu vực đồng bằng có sự mâu thuẫn nhau. Xây dựng, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách…/
Ý kiến ()