Ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành và người dân phải nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu (BĐKH); thay đổi cách nghĩ, cách làm để giảm thiểu nguy cơ và các tác động tiêu cực của BĐKH để phát triển bền vững.
BĐKH là vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến phát triển và an ninh trên toàn Thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của BĐKH đã không ngừng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…
Công tác ứng phó với BĐKH tại Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH chưa đồng bộ, chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình mới trong nước và quốc tế. Công tác ứng phó với BĐKH còn bị động, rời rạc, thiếu sự phối hợp…
Để khắc phục những hạn chế trên, mang lại hiệu quả cao trong công tác ứng phó với BĐKH, tại phiên họp lần thứ VIII Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới các cấp, các ngành và người dân phải nâng cao nhận thức về BĐKH; thay đổi cách nghĩ, cách làm để tận dụng thời cơ, giảm thiểu nguy cơ và các tác động tiêu cực của BĐKH.
Đẩy mạnh rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý về ứng phó với BĐKH; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu về ứng phó với BĐKH; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH đối với từng vùng, địa phương; nghiên cứu tình hình sạt lở đất ở các khu vực sông, ven biển, miền núi để có giải pháp cụ thể, kịp thời; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy hoạch hiện có, trước hết tập trung vào một số vấn đề cấp bách, ưu tiên khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung.
Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thích ứng cao với BĐKH và phát thải ít cacbon; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển năng lượng, các công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên trong khu vực.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ hoạt động ứng phó với BĐKH tại Việt Nam; ưu tiên nguồn vốn ODA cho các công trình, dự án quan trọng.
Cụ thể, trong năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách về ứng phó với BĐKH; phối hợp với các Bộ liên quan trong việc xem xét, đề xuất bố trí, phân bổ nguồn vốn bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả để triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành và địa phương theo dõi, đánh giá chặt chẽ tình hình mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống; tăng cường công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, đáp ứng tối đa nhiệm vụ tưới tiêu chủ động trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, BĐKH; nghiên cứu tổng thể về tình hình sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo sớm phương án với Lãnh đạo Chính phủ.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH.
Bộ Xây dựng rà soát các quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát xây dựng, nghiêm túc thực hiện chủ trương không cấp phép xuất khẩu cát./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()