Ứng phó thiếu hụt nguồn cung phân bón do căng thẳng Nga-Ukraine
Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới.
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết căng thẳng Nga-Ukraine đang khiến thị trường phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá.
Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, thị trường phân bón thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 kéo dài làm thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, nay lại càng nặng nề hơn do căng thẳng Nga-Ukraine tác động mạnh đến thị trường phân bón thế giới về suy giảm nguồn cung và tăng giá.
Hàng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Năm 2021, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là trên 10,709 triệu tấn, tăng trên 478.00 tấn, tương đương tăng 4,67% so với năm 2020.
Trong số đó, lượng phân vô cơ trên 7,8 triệu tấn, tăng trên 211.300 tấn, tương đương tăng 2,78% so với năm 2020; lượng phân bón hữu cơ gần 3,9 triệu tấn, tăng gần 263.000 tấn, tương đương tăng 10% so với 2020.
Theo Cục Bảo vệ thực vật dự báo, nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp năm 2022 không có sự biến động lớn so với năm 2021.
Hiện tại, các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như phân lân, phân ure, phân NPK và hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.
Các nhà máy sản xuất DAP đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu; trong khi đó phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.
Phân bón hữu cơ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu mà không phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Cân đối lượng phân bón xuất, nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hàng năm Việt Nam nhập khẩu thêm từ 2,7-3,5 triệu tấn phân bón vô cơ; trong đó, chủ yếu là phân kali chiếm 25-28%, tương đương khoảng từ 1,1-1,2 triệu tấn và phân SA, chiếm từ 25-31%, tương đương khoảng 1-1,5 triệu tấn.
Năm 2021, khối lượng phân bón nhập khẩu là trên 5,1 triệu tấn, trong đó nhập khẩu phân SA chiếm 31,3%, kali chiếm 25,3%… Phân kali được nhập từ 30 thị trường khác nhau trên thế giới.
Nga là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Trong năm 2021, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân ure, NPK, amoni nitrat, xuất khẩu kali đứng thứ 3 và phosphat đứng thứ 4 trên thế giới.
Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Nga khoảng từ 130.000-380.000 tấn, chiếm khoảng 3-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, tương ứng 5-11,9% về giá trị, chủ yếu nhập phân kali, phân NPK và DAP. Riêng lượng phân kali nhập từ Nga khoảng từ 68.000-200.000 tấn/năm, chiếm từ 7,2-18,6% so với tổng lượng nhập khẩu loại phân bón này.
Năm 2021, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga là tên 320.000 tấn, chiếm 6,27% so với tổng lượng phân bón nhập khẩu; trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là kali với trên 195.000 tấn, chiếm trên 15% tổng lượng kali nhập khẩu.
Hai tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu phân bón 706.769 tấn. Riêng lượng phân bón nhập khẩu từ Nga trên 73.800 tấn, trị giá trên 40 triệu USD, chiếm trên 10% về khối lượng và gần 12% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu; trong đó nhập khẩu nhiều nhất là phân kali, chiếm trên 18% tổng khối lượng kali nhập khẩu.
Nhằm duy trì đảm bảo nguồn cung phân bón, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên theo dõi; nắm chắc diễn biến tình hình thị trường thế giới, khu vực và trong nước, trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng, chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, chủ động đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt là phân kali.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật.
Ngành công thương tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đầu cơ tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Bộ Tài chính rà soát, xem xét các chính sách về thuế đối với phân bón. Trước mắt, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP và MAP.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phân bón tại địa phương phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các cơ quan chuyên môn tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là phân bón hữu cơ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()