Ứng phó khẩn cấp tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 15/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng cơ quan thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và các đối tác liên quan tổ chức Hội thảo ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nguy cơ giảm sản lượng lúa nghiêm trọng
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của cả nước, sản xuất ra một nửa sản lượng lúa gạo tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu đạt 8 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn ở đây đang diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của vùng.
Trong đó, từ tháng 1 và tháng 2/2016, do thủy triều dâng cao hơn so với nhiều năm nên xâm nhập mặn vào đất liền sâu hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-20 km, có những vùng mặn xâm nhập sâu từ 70-90 km. Nhiều vùng hiện nay hoàn toàn không có nước ngọt.
Theo dự báo, tình hình xâm nhập mặn diễn biến sâu hơn trong tháng 3 và tháng 4 do lượng nước chảy về sông Mê Kong không tăng lên. Hiện nay, theo thống kê đã có 160.000ha lúa bị thiệt hại, với sản lượng đạt 5 tấn/ha thì ước tính 800.000 tấn lúa bị mất trắng. Với mỗi gia đình có diện tích sản xuất khoảng 0,5ha, thì xâm nhập mặn đã làm khoảng 300.000 hộ gia đình những tháng qua không có thu nhập.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, lúa đang ở vụ Đông Xuân, thời gian tới một số diện tích nữa sẽ bị ảnh hưởng. Dự kiến, tháng 3 sẽ thu hoạch lúa Đông Xuân, sau thu hoạch sẽ gieo giống cho vụ Hè Thu, tuy nhiên, do thiếu nước ngọt nên không thể thực hiện được theo đúng thời vụ. Với việc lùi lại thời vụ, với thời tiết không thích hợp dẫn đến năng suất thấp, dẫn đến nguy cơ sản lượng lúa bị giảm nghiêm trọng.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, không chỉ lúa, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây ăn quả, đồng thời đàn gia súc nhiều nơi không có thức ăn; nuôi trồng thủy sản với độ mặn cao dẫn đến tôm nuôi khó phát triển.
Với tình hình hạn hán, hiện nay, 3 tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nhất là Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, trong đó, tỉnh Ninh Thuận hồ chứa nước chỉ đạt 30% so với trung bình nhiều năm, ở Khánh Hòa lưu lượng nước trên dòng sông chỉ bằng 10% so với trung bình nhiều năm. Tình hình hạn hán đã làm cho hàng chục nghìn ha lúa không được gieo cấy ở các tỉnh này.
Cần quản lý hiệu quả nguồn nước
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay, để giải quyết thực trạng trên, Chính phủ đã hỗ trợ gần 700 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh chịu ảnh hưởng xây dựng đập tạm để ngăn mặn, xây dựng trạm bơm nước ngọt, xây dựng cấp bách hệ thống dẫn nước sinh hoạt cho người dân, đồng thời hỗ trợ 2 triệu/ha lúa cho nhân dân mua giống trồng vụ lúa sau đối với vùng lúa bị thiệt hại. Với những hộ thiếu lương thực, đã tiến hành hỗ trợ 15kg/1 người/1 tháng.
Về các giải pháp để ứng phó trước mắt với tình hình trên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần hướng dẫn người dân điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chuyển từ giống cây trồng cần nhiều nước sang giống cây cần ít nước. Đồng thời, hướng dẫn người dân có thể chuyển sang chăn nuôi hoặc làm các nghề phi nông nghiệp nhằm đảm bảo thu nhập. Với ĐBSCL không có chỗ làm hồ chứa nên cần làm các cống ở cửa sông, dọc dòng sông, biến các con kênh thành hồ chứa nước ngọt. Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình ngăn mặn và trữ nước ngọt.
Tại Hội thảo, góp ý về các giải pháp chống xâm nhập mặn và hạn hán cho Việt Nam, đại diện Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI cho rằng, cần xác định thời điểm thu hoạch sớm lúa vụ Đông Xuân nhằm căn cứ thời gian triển khai thực hiện mục tiêu trồng 2 vụ lúa ngắn ngày thay vì 3 vụ như thời gian trước. Đồng thời cần nghiên cứu, đưa ra các giống lúa thích ứng với xâm nhập mặn, hạn hán, giúp đảm bảo sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, cần mở rộng những mô hình sản xuất thông minh nâng cao tính chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đại diện của Ngân hàng Thế giới, cần xem xét những nhu cầu hiện nay ở các địa phương đang chịu thiệt hại để có những hỗ trợ kịp thời về tài chính và kỹ thuật. Đồng thời về lâu dài cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và có tầm nhìn dài hạn trong quản lý hiệu quả tài nguyên nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()