Ứng phó hiệu quả các rào cản trong xuất khẩu thủy sản
Việt Nam là một trong những nước có nhiều vụ bị từ chối nhập khẩu cá và sản phẩm thủy sản tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tổng giá trị tổn thất do các vụ từ chối nhập hàng thủy sản của nước ta trung bình 14 triệu USD/năm. Thực tế đó đòi hỏi ngành thủy sản cần sớm xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu.
Việt Nam là một trong những nước có nhiều vụ bị từ chối nhập khẩu cá và sản phẩm thủy sản tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tổng giá trị tổn thất do các vụ từ chối nhập hàng thủy sản của nước ta trung bình 14 triệu USD/năm. Thực tế đó đòi hỏi ngành thủy sản cần sớm xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu.
Ðòi hỏi từ các thị trường nhập khẩu lớn
Kết quả trên dựa theo báo cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) đưa ra tại Hội thảo “Ðáp ứng tiêu chuẩn – Chiếm lĩnh thị trường: Giải pháp tháo gỡ thách thức đối với chuỗi giá trị thủy sản trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại” do Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), UNIDO và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (IDE – JETRO) phối hợp tổ chức cuối tháng 3 vừa qua.
Kết quả này đã gây nhiều tranh cãi khi các cơ quan chức năng của Việt Nam cho rằng, các lô hàng thủy sản Việt Nam bị từ chối không phải do mối nguy an toàn thực phẩm mà có nhiều nguyên nhân khác. Thậm chí có nhiều lô hàng doanh nghiệp Việt Nam tự động rút về do những bất đồng về giao dịch. Mặt khác, tách riêng con số tổn thất 14 triệu USD/năm thì lớn nhưng so với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a trung bình trong sáu năm (2006-2012) là 3,2 tỷ USD/năm, thì con số tổn thất tài chính hằng năm chỉ chiếm khoảng 0,39% tổng giá trị. Những phản hồi đó có giá trị như những thông tin thêm, khách quan và đầy đủ hơn để các nước đánh giá đúng về chất lượng thủy sản Việt Nam. Thách thức lớn nhất mà ngành thủy sản đang đối mặt là các quy định của thị trường xuất khẩu ngày càng cao và nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc; trách nhiệm với môi trường và bảo vệ nguồn lợi.
Năm 2012, nhiều nước nhập khẩu hàng thủy sản đã cử đoàn công tác sang giám sát, thanh tra chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta. Bởi hầu hết thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều là những quốc gia có quy định ngặt nghèo về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trong khi đó, Ủy ban Luật Thực phẩm quốc tế (CODEX) chưa ban hành đầy đủ và thống nhất các quy định về hóa chất, kháng sinh cấm hoặc mức tồn dư tối đa cho phép của các hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước lúng túng khi triển khai thực hiện. Rào cản dư lượng ethoxyquin trong tôm đông lạnh là một thí dụ. Tổng cục Thanh tra, Kiểm dịch Ðộng thực vật và Thủy sản Hàn Quốc vừa thông báo kiểm tra dư lượng ethoxyquin trong tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với ngưỡng dư lượng không được vượt quá 0,01 ppm. Sau Nhật Bản, Hàn Quốc là nước thứ hai ra quy định kiểm tra này. Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), đây là mức quy định khá thấp, bởi ethoxyquin không phải kháng sinh mà là chất để chống ô-xy hóa đang được phép sử dụng trong bột cá để dùng làm thức ăn cho tôm. Tôm là mặt hàng chính, lớn nhất trong xuất khẩu thủy sản, nên nếu vấn đề ethoxyquin ở Nhật Bản và Hàn Quốc không được giải quyết thì việc xuất khẩu sang hai thị trường này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Không chỉ tôm, các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn khác như cá tra, cá ba-sa cũng đang chịu sự kiểm soát gay gắt về chất lượng từ các nước nhập khẩu. Ðiều này cũng gây khó khăn lớn cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Ứng phó chủ động, kịp thời
Hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta ngày càng vấp phải nhiều rào cản khi thâm nhập vào các thị trường có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Chủ quan là do hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản vẫn ở quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết nên rất khó kiểm soát triệt để chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa có các vùng nguyên liệu tập trung để bảo đảm an toàn từ khâu nuôi trồng đến thu hoạch. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, thú y chưa tổ chức thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, nhất là việc sử dụng hóa chất, kháng sinh tại các cơ sở khai thác, nuôi trồng. Nguyên nhân khách quan là do yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng tại các nước ngày càng cao, khiến các nhà nhập khẩu cũng phải thắt chặt các quy định kiểm dịch. Mặt khác, sự cạnh tranh chất lượng sản phẩm giữa các nước xuất khẩu ngày càng gay gắt, nên các nhà nhập khẩu cũng dễ bề nâng cao yêu cầu và tiêu chuẩn của mình.
Trước những đòi hỏi cấp thiết đó, muốn tồn tại và phát triển, ngành thủy sản Việt Nam buộc phải chủ động, linh hoạt và kịp thời ứng phó với mọi rào cản. Trước hết và quan trọng nhất là các cơ sở khai thác, nuôi trồng, chế biến hàng thủy sản tuyệt đối không lạm dụng chất cấm để phòng, trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Ðối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần chủ động nắm vững các quy định và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu để kiểm tra nguồn cung ứng nguyên liệu. Các cơ quan nhà nước, ngoài việc thanh tra, giám sát các cơ sở chế biến xuất khẩu cần thực hiện đàm phán với các đối tác thương mại, yêu cầu họ sửa đổi các quy định về chất lượng sản phẩm chưa phù hợp chuẩn mực quốc tế hoặc thiếu cơ sở khoa học. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Ðình Hòe thì: Ðàm phán và yêu cầu các nước nới lỏng quy định về chất lượng sản phẩm là vô cùng khó khăn. Vì nếu doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn đó thì họ vẫn có thể nhập được sản phẩm từ các đối tác khác. Chính vì vậy, để giữ thị trường, về lâu dài, toàn ngành thủy sản cần có chiến lược cụ thể xây dựng chuỗi giá trị thủy sản bền vững từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu. Duy trì điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị, nhân lực, vật tư, nguyên liệu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, ngừa các nguy cơ về an toàn thực phẩm không chỉ trong khuôn viên nhà máy, mà còn từ các cơ sở cung ứng nguyên liệu.
Công nghiệp chế biến thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Năm 2012, xuất khẩu thủy sản mang về 6,12 tỷ USD, các thị trường nhập khẩu lớn nhất là EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng quý I-2013, xuất khẩu thủy sản đang đối mặt nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mục tiêu năm 2013 xuất khẩu thủy sản đạt 6,4 – 6,5 tỷ USD, đòi hỏi ngành thủy sản phải nỗ lực rất nhiều, trong đó quan trọng nhất là vượt qua các thách thức về rào cản kỹ thuật, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuỗi giá trị thủy sản.
Nhandan
Ý kiến ()