Ứng phó các ca mắc Covid-19 trong trường học
Sau hơn một tuần thực hiện việc mở cửa trường học, phần lớn các địa phương trên cả nước đã tổ chức việc dạy học trực tiếp ở các cấp học. Yêu cầu đối với các trường cũng như giáo viên và học sinh là cần thực hiện tốt các giải pháp của ngành giáo dục để vừa tổ chức dạy học, vừa phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả.
Việc tổ chức dạy học trực tiếp được thực hiện trên cơ sở bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn và khi có ca mắc Covid-19 sẽ xử lý theo quy trình đã hướng dẫn.
93,71% số học sinh đi học trực tiếp
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, toàn ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên trong đại dịch, cũng như tránh đứt gãy các hoạt động giáo dục, kiên trì bảo đảm mục tiêu chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp ngành y tế, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành thực hiện việc mở cửa trường học trở lại bảo đảm an toàn với phương châm kiên quyết, khẩn trương và chu đáo để đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trong thời gian sớm nhất. Từ ngày 7/2 đến nay, việc mở cửa trường học đã bắt đầu được triển khai. Tất cả các tỉnh, thành phố, sở giáo dục và đào tạo đã xây dựng và thực hiện tiêu chí bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho trẻ em, học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh.
Đến ngày 16/2, cả nước có 85,71% số trẻ mầm non, 93,65% số học sinh tiểu học, 94,41% số học sinh THCS, 99,0% số học sinh THPT đi học trực tiếp. Tính trung bình, số trẻ em, học sinh đi học trực tiếp của các cấp, bậc học trên cả nước là 93,71%… Đối với cấp mầm non, có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp; cấp tiểu học có 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh học trực tiếp. Cấp THCS cả 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp; cấp THPT cũng có 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, tất cả các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Theo kế hoạch từ ngày 21/2, đối với cấp mầm non, 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp, tỉnh Tiền Giang cho trẻ 5 tuổi đi học từ ngày 21/2, trẻ mầm non đi học từ ngày 24/2 (ba tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang có kế hoạch cho trẻ em mầm non đi học trong tháng 2 nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể); cấp tiểu học: 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp; cấp THCS có 63/63 tỉnh, thành phố cho tất cả học sinh đi học trực tiếp; cấp THPT toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố duy trì học trực tiếp…
Quá trình kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp tại các địa phương, các trường học nhằm nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn vướng mắc để kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những ngày qua cho thấy, các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để tổ chức dạy học trực tiếp an toàn. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, qua kiểm tra một số cơ sở giáo dục cho thấy, việc phòng dịch đã được triển khai khá chu đáo, có các nhân viên trực chuyên về y tế trong trường học, có hệ thống trang thiết bị cũng như các tài liệu và chỉ đạo của các trường. Nhìn chung tinh thần của các nhà trường cũng đang tích cực đưa học sinh quay trở lại trường trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp…
Xử lý F0 và tổ chức dạy học thế nào?
Mục tiêu của ngành giáo dục là nhanh chóng mở cửa trường học an toàn ở tất cả các địa phương, cấp học, nhưng vẫn có những băn khoăn, lo lắng khi xảy ra tình trạng có ca nhiễm Covid-19 là giáo viên, học sinh khi đến trường. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống dịch tại nhà trường là thực hiện cả trước khi học sinh đến trường; khi học sinh học tập tại trường; sau khi học sinh rời trường. Trong đó đáng chú ý, tình huống xảy ra học sinh mắc Covid-19 trong trường học thì bộ phận tiếp nhận cần thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh. Nhà trường thực hiện cách ly tạm thời F0 và thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Các đơn vị liên quan đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị điều trị Covid-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định. Khi lớp học có F0 thì tạm ngừng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp ba người). Cách ly F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các lớp học khác vẫn hoạt động bình thường.
Đối với việc tổ chức dạy học, theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong những ngày đầu học sinh quay trở lại học trực tiếp, các trường cần dành thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp. Đối với học sinh lớp 1 chưa từng đến trường, các trường cần phổ biến quy định về học tập, sinh hoạt; tổ chức các hoạt động tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh; hướng dẫn các em kiến thức phòng, chống dịch. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các cơ sở giáo dục tăng cường tương tác, gắn kết giữa học sinh trong lớp học; tuyệt đối không để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0. Các trường tiếp tục tổ chức dạy học tại trường các nội dung cơ bản, cốt lõi theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp điều kiện thực tiễn; chỉ tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức. Nhà trường, giáo viên cũng cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để quản lý các em học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và ngược lại… nhằm bảo đảm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm chất lượng dạy học.
Từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư (tháng 4/2021) đến nay, toàn ngành giáo dục ghi nhận 162.917 cán bộ, nhân viên, giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19 (trong đó cán bộ, giáo viên là 27.677; trẻ em, học sinh, sinh viên là 135.244). Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 tăng mạnh gồm: Hải Phòng 9.649 ca, Hà Tĩnh 675 ca, Nghệ An 298 ca, Thanh Hóa 2.359 ca,… Một số địa phương vẫn còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học)…
(Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Ý kiến ()