Ứng phó biến đổi khí hậu: Lộ trình chông gai
Hội đồng châu Âu đã phê duyệt kế hoạch tài chính khí hậu, trong đó Liên minh châu Âu (EU) cam kết thực hiện mục tiêu của các nước phát triển là cùng nhau huy động 100 tỷ USD/năm tài trợ các chương trình khí hậu đến năm 2025.
Đây là bước đi tích cực, trước thềm Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Azerbaijan tháng 11 tới. Song, thách thức vẫn còn trên lộ trình tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu.
Đóng góp vào nỗ lực chung
EU và các quốc gia thành viên là những nước đóng góp nhiều nhất cho tài chính khí hậu quốc tế và kể từ năm 2013 đã tăng gấp đôi mức tài trợ cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Hội đồng châu Âu nhấn mạnh về cam kết tiếp tục thực hiện các mục tiêu tài chính khí hậu, cũng như đạt được các mục tiêu tập thể đầy tham vọng sau năm 2025.
Đi đầu trong nỗ lực của EU, Chính phủ Đức đang tích cực thực hiện cam kết công bằng về khí hậu toàn cầu, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển và mới nổi thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính phủ Đức cho biết, trong năm 2023, nước này đã cung cấp tổng cộng 9,9 tỷ euro cho các nước trong khuôn khổ gói tài trợ khí hậu 100 tỷ USD mỗi năm, do các nước công nghiệp phát triển cam kết tài trợ cho các nước đang phát triển và mới nổi. Trong số 9,9 tỷ euro có 5,7 tỷ euro được trích từ nguồn ngân sách liên bang, phần còn lại từ các khoản vay do Ngân hàng Đầu tư Đức (KfW) và Công ty Đầu tư và Phát triển Đức (DEG) cung cấp cho các dự án chuyển đổi năng lượng. Bộ trưởng Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Svenja Schulze khẳng định, Đức là đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu.
EU và các quốc gia thành viên là những nước đóng góp nhiều nhất cho tài chính khí hậu quốc tế và kể từ năm 2013 đã tăng gấp đôi mức tài trợ cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Hội đồng châu Âu nhấn mạnh về cam kết tiếp tục thực hiện các mục tiêu tài chính khí hậu, cũng như đạt được các mục tiêu tập thể đầy tham vọng sau năm 2025.
Trong nỗ lực huy động nguồn tài chính giúp các nước đang phát triển, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đẩy mạnh tài trợ cho các giải pháp khí hậu. Chủ tịch WB Ajay Banga đặt mục tiêu cải tổ tổ chức này và tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia đang vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu.
Hồi tháng 12/2023, WB cam kết nâng tỷ lệ tài trợ hằng năm dành cho các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu, từ 35% lên 45% trong tài khóa 2025, bắt đầu từ tháng 7 vừa qua.
WB cho biết mục tiêu trên gần tới đích ngay trong tài khóa 2024, với gần 44% trong tổng số 97 tỷ USD mà WB cam kết đã được phân bổ cho các dự án liên quan đến khí hậu.
WB mới đây thông báo đã cung cấp khoản tài trợ kỷ lục 42,6 tỷ USD dành cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong năm tài chính 2024, tăng 10% so với một năm trước đó. Nguồn tài chính này đã được phân bổ để hỗ trợ các nỗ lực chấm dứt đói nghèo trên thế giới, đầu tư vào năng lượng sạch, xây dựng các cộng đồng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, WB cũng lưu ý vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Gần đây, các chủ nợ đa phương và song phương đã áp dụng "điều khoản nợ phục hồi khí hậu" với các thỏa thuận cho vay cấp chính phủ, nhằm giảm áp lực lên các nước nhỏ và gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Năm ngoái, một số chủ nợ song phương và đa phương, như WB và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ, đã công bố triển khai điều khoản nêu trên trong các thỏa thuận vay. Hiện có 44 quốc gia đủ điều kiện được hưởng điều khoản ân hạn nợ của WB trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Australia là một trong những nhà tài trợ và cho vay lớn nhất dành cho khu vực Nam Thái Bình Dương vốn dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và là nơi nhiều quốc gia phải đối mặt với áp lực về tài chính.
Năm ngoái, Anh cũng công bố điều khoản nợ liên quan đến khí hậu đầu tiên với Senegal và Guyana và nỗ lực mở rộng cơ chế này cho thêm 10 quốc gia khác.
Vẫn còn nhiều rào cản
Biến đổi khí hậu chỉ có thể được ngăn chặn nếu có nỗ lực chung tay của toàn thế giới, kể cả những quốc gia phụ thuộc vào tài trợ. Thích ứng với biến đổi khí hậu cũng có vai trò quan trọng hàng đầu để người dân có thể duy trì sinh kế trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, để huy động nguồn tài chính, vốn được coi là nhân tố quan trọng nhất giúp các nước đang phát triển thích ứng và chống biến đổi khí hậu, lại vẫn gặp nhiều rào cản. Các quốc gia hiện vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về một hiệp ước quan trọng liên quan đến tài trợ khí hậu, chia rẽ về việc ai trả tiền và trả bao nhiêu. Thực tế này đe dọa khả năng đạt được thỏa thuận tại COP29.
Các nhà tài trợ lớn, trong đó có EU và Mỹ, vẫn chưa tiết lộ mức sẵn sàng tài trợ, trong khi phải chống chọi áp lực buộc họ phải đưa ra con số cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước phát triển rơi vào bất ổn chính trị và kinh tế.
Các nước công nghiệp phát triển cam kết đoàn kết và hỗ trợ các nước đang phát triển và mới nổi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đầy cam go, song trước tình hình căng thẳng về ngân sách ở nhiều nước tài trợ truyền thống, thế giới kêu gọi tìm kiếm và gia tăng các nguồn tài chính mới nhằm giúp các quốc gia ở Nam bán cầu thực hiện nghĩa vụ bảo vệ khí hậu.
COP28 đã mở đường cho quyết định loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới, đồng thời tăng 3 lần mức năng lượng tái tạo và gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030.
Đây là thành công lớn, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải thực hiện nhất quán. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, những nỗ lực quốc tế nhằm giảm khí nhà kính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu vẫn không đủ để có thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp, theo mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, rất khó khăn trong việc tìm kiếm một thỏa thuận tại COP29 nhằm có được khoản hỗ trợ hơn 1.000 tỷ USD/năm cho tài chính khí hậu, tức gấp 10 lần so với mức tài trợ hiện tại.
COP29 được coi là "COP tài chính" vì các quốc gia giàu chịu trách nhiệm chính về sự ấm lên của Trái đất có thể đưa ra cam kết mới, tăng đáng kể viện trợ cho các quốc gia nghèo hơn để hành động vì khí hậu. Số tiền cam kết hiện nay là 100 tỷ USD/năm sẽ hết hạn vào năm 2025 và thấp hơn nhiều so với nhu cầu của các quốc gia đang phát triển. Nước chủ nhà COP29 là Azerbaijan kêu gọi các bên tận dụng tối đa giai đoạn quan trọng trước thềm COP29 để tìm kiếm sự đồng thuận về vấn đề này.
Một số nước đưa ra quan điểm cho rằng, một điều quan trọng nữa là bên cạnh các nước công nghiệp phát triển, một số quốc gia khác chưa từng là nhà tài trợ cũng cần hành động nhiều hơn nữa, nhất là những nước đang phát thải khí nhà kính lớn và có tiềm lực tài chính cần thiết.
Ý kiến ()