Ứng phó bão số 3: Phát huy tính chủ động, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân
- Bão số 3 (YAGI) có cường độ mạnh đổ bộ vào nước ta đã gây thiệt hại về người và tài sản của nhiều địa phương, trong đó có Lạng Sơn. Trước sức tàn phá lớn của cơn bão, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tối đa thiệt hại.
Sáng 3/9, bão số 3 đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc biển Đông với cường độ cấp 8, giật cấp 11. Đến sáng 5/9, bão số 3 tiếp tục mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201 km/h), giật trên cấp 17. Ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Chủ động từ sớm
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, thực hiện công điện, văn bản chỉ đạo của trung ương, Thường trực Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo về thực hiện ứng phó khẩn cấp với bão số 3; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 3 công điện chỉ đạo các cấp, ngành ứng phó bão...
Sáng 6/9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở để triển khai công tác ứng phó bão số 3, đặc biệt là hoàn lưu sau bão gây mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời UBND, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị tại cơ sở.
Song song với đó, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan đã triển khai các nội dung cụ thể.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Ngày 6/9 sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/9. Đồng thời yêu cầu các trường rà soát cơ sở vật chất, chuẩn bị nhân lực, vật tư, thiết bị phục vụ công tác ứng phó bão; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, hồ sơ, tài liệu đến vị trí an toàn; tổ chức trực 24/24 giờ ứng phó với các tình huống bão lũ...
Cùng đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, trực 100% quân số. Các cơ quan, đơn vị liên quan đã huy động gần 100 máy xúc, 135 ô tô, 712 rọ thép, 1.000 m lưới thép, 132 bộ biển báo, 40 chiếc xuồng, 7.468 chiếc phao cứu sinh cùng nhiều trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống bão; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ 238 hộ dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, các cơ quan truyền thông tăng cường đưa thông tin diễn biến bão;...
Người dân trên địa bàn tỉnh cũng chủ động trong việc nắm bắt diễn biến cơn bão, từ đó chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó như gia cố nhà cửa, di dời chỗ ở đến nơi an toàn, chuẩn bị đầy đủ vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết để ứng phó với bão số 3.
Mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, sự chủ động của các cấp, ngành và người dân trong việc ứng phó, song với cường độ rất mạnh, siêu bão YAGI đã gây nhiều thiệt hại. Cụ thể, theo báo cáo nhanh của các huyện, thành phố, tính đến 15 giờ ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh có 1 người chết, 1 người mất tích và 9 người bị thương; 1.256 hộ bị thiệt hại về nhà cửa; 2.201 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng; 113 điểm giao thông bị ngập cục bộ, 153 điểm sạt lở taluy. Ngoài ra còn một số thiệt hại khác như cột điện, cột viễn thông bị gãy đổ, cây gãy, đổ...
Khắc phục khẩn trương
Ngay sau khi bão số 3 tiến vào đất liền nước ta và ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh gây thiệt hại bước đầu, các cấp, ngành chức năng và người dân đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục.
Trong sáng 7/9, khi bão số 3 đang tiến sát đất liền, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác ứng phó. Trong đó các đồng chí lãnh đạo tỉnh vừa chỉ đạo các lực lượng ứng phó với bão, vừa nhanh chóng khắc phục những thiệt hại ban đầu do bão gây ra.
Đối với công tác khắc phục thiệt hại cụ thể, ngay khi nhận được thông tin có thiệt hại về người, lãnh đạo UBND tỉnh cùng đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm, ứng cứu người bị nạn. Cùng với đó, lực lượng chức năng và người dân đã đưa người bị thương đến các cơ sở y tế để xử lý vết thương, chăm sóc sức khỏe kịp thời; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, thương tích.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo giao thông thông suốt được chú trọng. Ông Hoàng Viết Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Ngành giao thông vận tải đã huy động 29 máy xúc, 35 ô tô , 20 máy cưa cùng nhiều loại vật tư khác và hơn 400 người tham gia khắc phục sự cố trên các tuyên giao thông. Qua đó bước đầu đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Đồng thời các cấp, ngành liên quan còn tập trung hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm. Ông Hoàng Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Thống kê sơ bộ đến 10 giờ ngày 8/9 trên địa bàn huyện có 136 nhà bị tốc mái, 207 nhà bị ngập úng, 34 nhà bị sạt lở... Ngay khi nắm bắt được thiệt hại, lực lượng chức năng đã hỗ trợ người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Ông Lục Văn Vinh, phố Điềm He 2, xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Do ảnh hưởng của mưa bão, từ ngày 7/9, phần sau ngôi nhà của gia đình bị sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Ngay sau khi phát hiện nguy hiểm, gia đình đã thông tin và được lực lượng chức năng hỗ trợ di chuyển đồ đạc đến vị trí an toàn hơn.
Cùng với gia đình ông Vinh, tính đến 10 giờ ngày 8/9, UBND huyện Văn Quan đã chỉ đạo các lực lượng chức năng cùng với người dân khắc phục các nhà bị hư hỏng nhẹ được 38/136 nhà, đồng thời hỗ trợ các gia đình bị hư hỏng nhà nặng di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Hiện nay các lực lượng chức năng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đang khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở, trong đó trọng tâm là di dời người và tài sản đến nơi an toàn; tổ chức khắc phục tạm thời đối với những nhà bị hư hỏng nhẹ...
Ngoài tập trung khắc phục thiệt hại về giao thông, nhà ở, từ ngày 6/9 đến nay, các cấp, ngành liên quan tập trung khắc phục thiệt hại liên quan đến hệ thống điện; theo dõi cũng như có biện pháp khắc phục tình trạng ngập lụt diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; chủ động vệ sinh nhà ở, các cơ quan công sở, trường học; đảm bảo an toàn chăn nuôi...
Mặc dù bão số 3 đã qua đi, song hoàn lưu bão vẫn tiếp tục gây mưa vừa, mưa to và dự báo mực nước trên các sông tiếp tục tăng, tình trạng sạt lở đất vẫn tiềm ẩn nguy hiểm. Chính vì vậy, hiện nay, các cấp, ngành liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngay trong ngày 8/9, các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo phân công phụ trách địa bàn tổ chức xuống các huyện, thành phố để chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại. Đồng thời UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung sơ tán dân, di chuyển tài sản đối với các khu vực có khả năng bị ngập lụt; tổ chức hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa ở những nơi bị thiệt hại, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương; rà soát, sửa chữa, vệ sinh môi trường các trường học, công sở; dọn dẹp vệ sinh đường phố, cây cối gãy, đổ; khắc phục sự cố lưới điện, viễn thông; dọn dẹp, xử lý đất sạt lở trên các tuyến đường...
Cơn bão số 3 là siêu bão, mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây có sức tàn phá lớn ở nhiều tỉnh, thành phố mà bão đi qua. Chính sự chủ động của cả hệ thống chính trị và người dân, tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng động đã góp phần quan trọng vào việc giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Bão đã qua nhưng mưa vẫn chưa ngớt, những nguy cơ về sạt lở đất, ngập lụt... vẫn còn hiện hữu, bởi vậy sự chủ động ấy cần tiếp tục được phát huy; tinh thần đoàn kết cần tiếp tục được củng cố để Lạng Sơn vững vàng vượt qua thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất.
Ý kiến ()