"Ung nhọt" trên cơ thể EU
Thủ đô A-ten "nóng bỏng" với các cuộc biểu tình của người dân. ( Ảnh: Ảnh AFP )Hy Lạp được ví như "một ung nhọt" trên cơ thể EU. Hai gói cứu trợ quốc tế khổng lồ vẫn chưa thể cứu nước thành viên EU này ra khỏi vũng lầy nợ công và suy thoái kinh tế. Ngày 7-8, Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã hạ thấp triển vọng của Hy Lạp xuống mức tiêu cực (CCC) và cần được các chủ nợ quốc tế giúp đỡ nhiều hơn. Hy Lạp vẫn là mắt xích yếu nhất trong Khu vực Eurozone.Bản thân Chính phủ Hy Lạp hồi đầu tháng 7 đã cảnh báo, tình trạng suy thoái kinh tế của đất nước ngày càng thêm tồi tệ. Thông báo này được Chính phủ A-ten đưa ra đúng lúc các kiểm toán viên thuộc nhóm "bộ ba tài trợ" gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đến Thủ đô A-ten đánh giá năng lực tài chính và tiến độ thực hiện những điều kiện của gói cứu trợ. Hy Lạp hiện chưa đạt được các mục tiêu mà...
Thủ đô A-ten “nóng bỏng” với các cuộc biểu tình của người dân. ( Ảnh: Ảnh AFP ) |
Bản thân Chính phủ Hy Lạp hồi đầu tháng 7 đã cảnh báo, tình trạng suy thoái kinh tế của đất nước ngày càng thêm tồi tệ. Thông báo này được Chính phủ A-ten đưa ra đúng lúc các kiểm toán viên thuộc nhóm “bộ ba tài trợ” gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đến Thủ đô A-ten đánh giá năng lực tài chính và tiến độ thực hiện những điều kiện của gói cứu trợ. Hy Lạp hiện chưa đạt được các mục tiêu mà chính phủ liên minh ở nước này nhất trí nhằm được giải ngân phần cứu trợ tiếp theo trong khuôn khổ gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ ơ-rô của EU, IMF và Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) dành cho nước này.
Dư luận châu Âu cho rằng, sự can thiệp của “bộ ba tài trợ” quốc tế vào Hy Lạp là một ngoại lệ. ECB cho biết, định chế tài chính này sẽ không cứu xét thêm bất kỳ trường hợp nào nữa, kể cả khi được một vài thành viên khác trong Eurozone yêu cầu can thiệp. Được nhận gói cứu trợ tài chính quốc tế đã khó, song việc giải ngân khoản tiền khổng lồ còn khó hơn. Ngoài những điều kiện ngặt nghèo để nhận gói cứu trợ, “bộ ba tài trợ” cho Hy Lạp đã quyết định tiếp tục giám sát các bước tiến trong nỗ lực cải cách của Chính phủ liên minh mới. Các kiểm toán viên của các nhà tài trợ quốc tế sẽ đưa ra kết luận liệu chương trình cứu trợ Hy Lạp có nên tiếp tục và khi nào thì giải ngân gói cứu trợ thứ hai. Trước đó, ông H.Rây-chen-bách, Trưởng nhóm đặc trách về Hy Lạp của Ủy ban châu Âu (EC), khẳng định rằng, hoạt động kiểm tra giám sát của “bộ ba tài trợ” là rất quan trọng và yêu cầu chính phủ mới ở Hy Lạp tuân thủ chặt chẽ các cam kết. Theo ông, sẽ không có bất cứ giải pháp dễ dàng nào đối với trường hợp Hy Lạp và điều quan trọng là A-ten cần chi trả ngay những khoản nợ đang tích tụ. Trong một báo cáo công bố ngày 3-7, Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết, tổng trị giá các khoản nợ đáo hạn từ tháng 1 đến tháng 5-2012 của khu vực nhà nước đối với các công ty tư nhân là 6,8 tỷ ơ-rô. Thứ trưởng Tài chính C. Xtai-cu-rát cho rằng, nền kinh tế Hy Lạp đang ở vào thời điểm nguy cấp. Năm 2012, GDP của Hy Lạp có thể sẽ giảm -6,7%, cao hơn nhiều so với mức -4,5% dự báo trước đó. Năm 2011, chỉ số này đã giảm -6,9%. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế KEPE, kinh tế Hy Lạp năm nay suy giảm mạnh hơn dự báo. GDP có thể giảm tới -9,1%.
Hy vọng kết quả cuộc bầu cử QH hôm 17-6 sẽ tạo ra sức sống mới giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đã tiêu tan. Chính phủ liên minh bảo thủ do Thủ tướng A. Xa-ma-rát lãnh đạo lại đang lâm vào tình trạng khó khăn do một số thành viên quyết định từ chức bất ngờ, vì “tình trạng sức khỏe”. Khi nhậm chức, Chính phủ Hy Lạp mới hứa hẹn thực hiện yêu cầu của các nhà tài trợ, tiến hành các cuộc đàm phán mới về chương trình thắt lưng buộc bụng hiện tại và sẽ kéo dài chương trình tiết kiệm tối thiểu tới năm 2016, đồng thời tìm cách giảm hậu quả của cuộc khủng hoảng đối với xã hội. Chính phủ Hy Lạp đã nêu ra ba mục tiêu: Thứ nhất, Hy Lạp sẽ ở lại Khu vực Eurozone và thực hiện yêu cầu của các nhà tài trợ; Thứ hai, A-ten tán thành các mục tiêu tiết kiệm, nhưng muốn thảo luận lại về từng phần của hiệp ước cứu trợ; Thứ ba, Hy Lạp đang phải cố gắng để hoàn trả đúng hạn các khoản nợ nhà nước. Hy Lạp sẽ từng bước đi lên.
Song, theo phương tiện truyền thông Hy Lạp, chính phủ chỉ còn tiền chi tiêu tới cuối tháng 8, sau đó nước này sẽ lâm vào tình trạng phá sản. Ngoài ra, ngày 20-8, Hy Lạp phải hoàn trả ba tỷ ơ-rô cho ECB là khoản thanh toán trái phiếu chính phủ đến hạn. Khoản lãi tiếp theo phải trả vào cuối tháng 8 là 512 triệu ơ-rô. Thêm nữa, chính phủ còn phải thực hiện các cam kết đưa ra trong tranh cử mà nó trái với các mục tiêu tiết kiệm, đó là không cắt giảm lương; giảm thuế giá trị gia tăng; xem xét lại cải cách thị trường lao động không được ưa chuộng hiện nay. Phía “bộ ba tài trợ” đã đưa ra nhận định rằng, những cải cách mà Hy Lạp hứa hẹn từ lâu đã bị ngừng trệ, đó là những gì liên quan tới luật thuế, quá trình tư nhân hóa và đổi mới cơ cấu hành chính,…
Trong bối cảnh các chủ nợ không ngừng gây sức ép, Chính phủ A-ten không thể cắt giảm thêm lương và việc làm của đội ngũ công chức và cũng không điều chỉnh những thỏa ước lao động. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục: 23%. Thời gian đang thúc ép chính phủ mới ở A-ten. Nhiều người tin rằng chính phủ liên minh mới sẽ bắt đầu quá trình tư nhân hóa để lấy lại niềm tin của các nhà tài trợ quốc tế. Người đứng đầu đảng đối lập A. Tơ-xi-pơ-rát đã công khai chỉ trích Chính phủ mới đã “quỳ gối” trước các nhà tài trợ EU, ECB và IMF.
Theo Nhandan
Ý kiến ()