Ứng dụng Trung Quốc TikTok âm thầm "hút hồn" người dùng Mỹ
Các ứng dụng di động được phát triển bởi một số công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đã tạo ra một sức hút lớn với người tiêu dùng Mỹ trong vài năm qua.
Các ứng dụng di động được phát triển bởi một số công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đã tạo ra một sức hút lớn với người tiêu dùng Mỹ trong vài năm qua, nhấn mạnh cách các công ty của nền kinh tế thứ hai thế giới đang mở rộng ra ngoài thị trường nội địa và châu Á.
Theo dữ liệu của hãng phân tích thị trường Sensor Tower được đăng tải trên trang CNBC, trong quý đầu tiên của năm 2019, các ứng dụng được phát triển bởi các công ty Trung Quốc hoặc bởi các công ty có nhà đầu tư lớn Trung Quốc, đã mang lại doanh thu tới 674,8 triệu USD. Công ty nghiên cứu ứng dụng di động này chỉ thống kê 100 ứng dụng hàng đầu theo doanh thu và lượt tải xuống trên Apple Store và Google Play Store. Doanh thu này chiếm 22% trong tổng số 100 ứng dụng hàng đầu.
Trong quý đầu năm này, tổng doanh thu của các ứng dụng hàng đầu có nguồn gốc hoặc liên quan đến Trung Quốc tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm 2018.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đã tìm cách mở rộng sang Mỹ bất chấp cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra và phán ứng tiêu cực đối với các công ty như Huawei từ Washington.
TikTok là ứng dụng được tải xuống nhiều thứ ba ở Mỹ trong quý đầu tiên, chỉ sau Facebook Messenger và một trò chơi có tên là “Color Bump 3D.”
TikTok được phát triển bới ByteDance, một trong những công ty công nghệ tư nhân được đánh giá cao nhất ở Trung Quốc.
Mặc dù có tên là TikTok ở Mỹ, ứng dụng này được gọi là Douyin ở Trung Quốc. Thay đổi tên và thương hiệu đã giúp ứng dụng Trung Quốc này thành công với người dùng Mỹ .
“Các nhà phát hành ứng dụng Trung Quốc ngày càng trở nên tinh thông hơn trong việc tìm hiểu những gì cộng hưởng với người tiêu dùng Mỹ, khi tạo ra một phân khúc mới trên phương tiện truyền thông xã hội với các ứng dụng như TikTok hay tận dụng các xu hướng nóng của các game thủ phương Tây với các tựa game ‘battle royale’ bao gồm PUBG Mobile,” Sanders Tran, một nhà phân tích dữ liệu tại Sensor Tower, nhận định.
Theo chuyên gia Sander Tran, các công ty công nghệ Trung Quốc đã mở rộng đáng kể hoạt động nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ, “điều này cho phép họ thực hiện các chiến dịch tiếp thị hiệu quả hơn nhiều.” Các công ty Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền cho hoạt động tiếp thị quảng cáo ứng dụng và điều này giúp họ thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng nhà quảng cáo trên Facebook và các mạng cài đặt ứng dụng di động khác.
“PUBG Mobile,” tên viết tắt của tựa game “PlayerUnknown’s Battlegrounds,” là trò chơi di động được phát triển bởi Tencent, công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc. Tencent đã tạo ra phiên bản iOS và Android của trò chơi này. Nhưng ít người biết rằng phiên bản gốc của trò chơi đình đám này lại do Công ty Bluehole của Hàn Quốc đã tạo ra, song phiên bản gốc chỉ dành cho máy chơi game và PC.
Nhiều người đang sử dụng các ứng dụng mà không biết chúng được sản xuất bởi một công ty Trung Quốc hoặc công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Theo các chuyên giá, đó là một chiến lược mà các công ty công nghệ Trung Quốc đang cố tình sử dụng khi cố gắng mở rộng kinh doanh ở Mỹ.
Chuyên gia phân tích cao cấp Hanish Bhatia của Counterpoint Research cho rằng có một “sự nhận thức thấp” về nguồn gốc của các ứng dụng này, đồng thời điều quan trọng là các ứng dụng này phải kết nối với người dùng ở các thị trường cao cấp. Vì vậy, các công ty công nghệ và ứng dụng Trung Quốc liên tục nỗ lực để thoát khỏi “tấm thẻ nguồn gốc Trung Quốc.” Và ý tưởng là “định vị mình là một người chơi toàn cầu”./.
Ý kiến ()