Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống lan kim tuyến: Hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Đình Lập
– Lan kim tuyến tự nhiên được tìm thấy tại một số xã của huyện Đình Lập. Hiện nay, loại cây này rất hiếm gặp trong tự nhiên, chính vì vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nhân giống, xây dựng mô hình sản xuất không chỉ hạn chế việc khai thác quá mức lan kim tuyến trong tự nhiên mà còn tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn huyện.
Chi lan kim tuyến có 51 loài, tại Việt Nam có 12 loài, tại Lạng Sơn có 3 loài. Các loài lan kim tuyến phân bố rộng nhưng số lượng cá thể ngoài tự nhiên không nhiều do khả năng tái sinh chậm, đòi hỏi điều kiện sống ngặt nghèo. Hiện nay, lan kim tuyến được đưa vào danh mục các loài đang nguy cấp.
Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào
Để có cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ phát triển sản xuất cây Lan Kim tuyến trên địa bàn tỉnh theo hướng hàng hóa, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen thực vật quý hiếm của địa phương, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây lan kim tuyến là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, từ tháng 11/2018 đến 4/2022, nhóm nghiên cứu do thạc sĩ Hoàng Văn Nâng, viên chức Phòng Ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN), Trung tâm Ứng dụng phát triển KHCN và Đo lường chất lượng sản phẩm, Sở KH&CN làm chủ nhiệm đã triển khai đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất cây lan kim tuyến theo hướng hàng hóa tại huyện Đình Lập”.
Ông Hoàng Văn Nâng cho biết: Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu lan kim truyến trên địa bàn huyện Đình Lập để tiến hành nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Tuy nhiên, việc này gặp không ít khó khăn do cây lan kim tuyến đòi hỏi khí hậu mát, đất giàu mùn, tơi xốp, thoáng khí, giàu ni tơ và kali. Đặc biệt, loại cây này có rất nhiều sâu bệnh hại như: nhện đỏ, ốc sên, sên trần, chuột, sâu…
Sau hơn 3 năm triển khai các nội dung của đề tài, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình nhân giống lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào; lựa chọn được giá thể phù hợp cho cây sinh trưởng và phát triển. Từ vật liệu ban đầu là cây lan kim tuyến thu thập được tại huyện Đình Lập, nhóm nghiên cứu đã nhân được hơn 10.000 cây lan kim tuyến đạt tiêu chuẩn xuất vườn bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.
Cùng đó, năm 2020 nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng 4 mô hình trồng lan kim tuyến với quy mô 40.000 cây giống tại huyện Đình Lập. Lan kim tuyến được trồng trên giá thể trong nhà lưới, có mái che và hệ thống tạo ẩm nhằm tạo ra tiểu khí hậu giống tự nhiên để cây sinh trưởng và phát triển. Kết quả cho thấy, sau 2 tháng trồng và chăm sóc, tỷ lệ cây sống đạt hơn 97%. Sau từ 12 đến 15 tháng, cây lan kim tuyến phát triển đến thời kỳ thành thục và ra hoa, lúc này cây có 6 hoặc 7 lá, chiều cao trung bình đạt 16,8 cm, trọng lượng cây đạt từ 2,4 đến 2,8 g/cây là cho thu hoạch. Từ 4 mô hình, nhóm nghiên cứu thu được hơn 103 kg lan kim tuyến tươi.
Ông Trần Văn Kiều, khu 6, thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Theo tôi được biết, trước đây trên địa bàn huyện chưa có ai trồng thành công lan kim tuyến. Theo hướng dẫn của nhóm nghiên cứu, năm 2020, tôi đã trồng lan kim tuyến ở diện tích 30 m2. Sau 1 năm chăm sóc, tôi thu về hơn 9 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy lan kim tuyến rất thích hợp để đầu tư phát triển kinh tế.
Song song với hoàn thiện quy trình nhân giống, xây dựng mô hình trồng lan kim tuyến nhóm nghiên cứu còn tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Lan kim tuyến Đình Lập”; hoàn thiện 2 tài liệu về quy trình nhân giống, chăm sóc lan kim tuyến. Nhóm cũng tổ chức 2 hội thảo khoa học, 1 hội nghị tập huấn cho 90 người trên địa bàn huyện. Với những kết quả đã đạt được, tháng 7/2022, Hội đồng khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài. Mong rằng thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn huyện.
Theo đông y, lan kim tuyến là cây thuốc rất đặc biệt có tác dụng tăng cường sức khoẻ, làm khí huyết lưu thông, có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mãn tính, chữa suy nhược thần kinh, lao phổi, phong thấp, đau nhức khớp xương, viêm dạ dày mãn tính, giúp bổ máu. Gần đây đã có phát hiện thêm khả năng phòng và chống ung thư của loại cây này. Chính vì giá trị dược liệu cũng như kinh tế rất cao (từ 2.500.000 đồng – 3.000.000 đồng/kg tươi) mà loại dược liệu này bị khai thác quá mức. |
Ý kiến ()