Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất hoa ở Lâm Ðồng
Nông dân làng hoa Thái Phiên (Đà Lạt) chăm sóc hoa cúc. Ảnh: LÊ MINH Lâm Đồng là tỉnh nằm ở phía nam Tây Nguyên với diện tích tự nhiên 976.478 ha, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều loại hoa ôn đới: địa lan, phong lan, cúc, hồng, lily, đồng tiền, lay-ơn, cẩm chướng, hồng môn, sa-lem, kiết tường... Với những lợi thế đó, những năm qua, Lâm Đồng đã quan tâm việc ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH và CN) trong sản xuất hoa và đạt được những kết quả đáng khích lệ.Trước năm 1980, các loại hoa ở Lâm Đồng (tập trung ở TP Đà Lạt và các vùng phụ cận) chủ yếu được trồng trong điều kiện tự nhiên, sản xuất theo kinh nghiệm. Cây giống không rõ nguồn gốc, chưa có tiêu chuẩn và kiểm tra quản lý dịch bệnh nên năng suất, chất lượng hoa không cao.Từ năm 1980 đến nay, kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật đã được áp dụng thành công trong sản xuất các giống hoa địa lan, phong lan, cúc, cẩm chướng, sa-lem... Nhiều giống mới được...
Nông dân làng hoa Thái Phiên (Đà Lạt) chăm sóc hoa cúc. Ảnh: LÊ MINH |
Trước năm 1980, các loại hoa ở Lâm Đồng (tập trung ở TP Đà Lạt và các vùng phụ cận) chủ yếu được trồng trong điều kiện tự nhiên, sản xuất theo kinh nghiệm. Cây giống không rõ nguồn gốc, chưa có tiêu chuẩn và kiểm tra quản lý dịch bệnh nên năng suất, chất lượng hoa không cao.
Từ năm 1980 đến nay, kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật đã được áp dụng thành công trong sản xuất các giống hoa địa lan, phong lan, cúc, cẩm chướng, sa-lem… Nhiều giống mới được nhập nội, nuôi cấy, nhân giống sạch bệnh, có chất lượng tốt với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất. Đáng chú ý, năm 1995, Lâm Đồng đã áp dụng kỹ thuật canh tác hoa nhà màng, nhà lưới trong sản xuất hoa cho hiệu quả cao. Để có được những thành công trên, những năm qua Trung tâm ứng dụng KH và CN (thuộc Sở KH và CN tỉnh Lâm Đồng) đã tổ chức tốt việc ứng dụng và chuyển giao nhiều tiến bộ KH và CN vào sản xuất.
Trung tâm đã xây dựng được quy trình nuôi cấy mô tế bào các giống hoa, kỹ thuật nhân ươm, sản xuất cây giống; sưu tập nhiều giống hoa mới, tổ chức nuôi cấy, lưu giữ trong ống nghiệm; sản xuất, cung cấp hàng trăm nghìn cây giống cấy mô sạch bệnh cho các cơ sở ươm cây giống và nhu cầu sản xuất của nông dân trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, để việc ứng dụng và chuyển giao KH và CN đạt hiệu quả cao, Trung tâm đã xây dựng các mô hình trình diễn các loại hoa làm cơ sở để triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, như: mô hình sản xuất hoa địa lan có diện tích hai ha, tại TP Đà Lạt, với sự tham gia của 12 hộ, mỗi hộ từ 1.000 đến 2.000 m2.
Mô hình sản xuất hoa hồng với diện tích bốn ha, tại thành phố Đà Lạt, thị trấn Lạc Dương có 30 hộ, mỗi hộ 1.000 đến 2.000 m2. Hoa hồng sau khi ghép, sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, sản phẩm hoa loại I đạt 70,5%, đáp ứng yêu cầu của thị trường cao cấp trong nước, có khả năng xuất khẩu. Mô hình sản xuất hoa cúc diện tích 12 ha, tại TP Đà Lạt, với 30 hộ dân tham gia, mỗi hộ 3.000 đến 5.000 m2. Hoa cúc phát triển tốt, ít sâu bệnh, kích cỡ cây khá đồng đều, cho năng suất cao, sản phẩm hoa loại I đạt trên 56%, loại II đạt 30%.
Những kết quả đạt được từ các mô hình đã giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng tiến bộ KH và CN, sử dụng giống mới, sạch bệnh trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm hoa đồng đều, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế lớn so với sản xuất truyền thống. Các mô hình cũng đã giúp nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối, hợp lý nên đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Qua đó, tạo niềm tin để nông dân ứng dụng, nhân rộng các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đại trà. Ngoài ra, còn tạo được mối liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp, giữa các nông hộ với nhau và các đơn vị chuyển giao KH và CN, giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trên cơ sở nghiên cứu và khảo nghiệm, trung tâm đã xây dựng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cây giống, tiêu chuẩn sản phẩm các loại hoa địa lan, cúc, hồng; các quy trình kỹ thuật sản xuất các loại hoa thương phẩm theo hướng công nghiệp: kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật; kỹ thuật ươm giống các loại hoa địa lan, cúc, đồng tiền, sa lem…; kỹ thuật trồng thương phẩm theo hướng công nghệ cao các loại hoa địa lan, cúc, hồng, lay-ơn, lily…; quy trình thu hoạch, bảo quản, đóng gói sản phẩm các loại hoa địa lan, cúc, hồng. Trung tâm cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo kỹ thuật viên cho các đơn vị, cơ sở sản xuất và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân thành phố Đà Lạt, các huyện Đức Trọng, Lạc Dương và một số địa phương khác.
Bên cạnh những thành công, hoạt động ứng dụng và chuyển giao KH và CN của Lâm Đồng trong sản xuất hoa còn một số hạn chế như:
Công nghệ xử lý, bảo quản và đóng gói hoa cắt cành sau thu hoạch gần như chưa được các cơ sở sản xuất quan tâm. Đây là một hạn chế lớn trong việc sản xuất hoa theo hướng công nghiệp. Tính tổ chức, hợp tác trong sản xuất còn hạn chế. Các mối quan hệ hợp tác để phát triển ngành hoa giữa các nhà sản xuất, giữa sản xuất với thị trường, với KH và CN… còn yếu và bất cập, đã làm cho ngành sản xuất hoa Đà Lạt không thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Tuy gần đây đã được cải thiện nhưng nhiều công việc sản xuất hoa của tỉnh vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu tính hợp tác trong sản xuất hoa thương phẩm. Do đó, sản phẩm hoa tuy phong phú, đa dạng nhưng lại không đồng nhất về tiêu chuẩn chất lượng, phẩm cấp nên khó đáp ứng được yêu cầu của những đơn đặt hàng lớn.
Để phát triển ngành sản xuất hoa của tỉnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, cần phải thực hiện các giải pháp cụ thể sau: Về hạ tầng kỹ thuật: Trước hết phải thiết kế các mẫu nhà kính, hệ thống tưới phù hợp từng loại hoa, có giá thành thấp để phổ biến cho nông dân.
Về cây giống: Cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý tốt nguồn giống tại địa phương. Sớm triển khai xây dựng Trạm nghiên cứu giống hoa của tỉnh để chọn lọc, nhập nội và khảo nghiệm giống mới, tạo nguồn giống tốt, sạch bệnh cho nhu cầu sản xuất.
Quy trình kỹ thuật: Xây dựng, hoàn thiện các quy trình sản xuất hoa tiên tiến theo từng chủng loại; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Việc sản xuất một loại hoa nào đó theo đúng một quy trình thống nhất sẽ tạo ra sản phẩm có độ đồng đều cao về quy cách, chất lượng sản phẩm.
Trong điều kiện diện tích sản xuất của các nông hộ không lớn, lại sản xuất riêng lẻ, để tổ chức sản xuất hoa theo hướng công nghiệp cần phải hình thành mô hình liên kết sản xuất theo nhóm hộ có sự tham gia của các doanh nghiệp, để vừa hợp tác trong sản xuất vừa tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, mới tạo ra những sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng đồng đều đáp ứng yêu cầu của thị trường;
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn để nông dân đầu tư lắp đặt hệ thống nhà kính, hệ thống tưới hiện đại, công cụ sản xuất, hệ thống kho lạnh, nhà xưởng để xử lý, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()