Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh táo Đài Loan: Nâng cao năng suất, tăng thu nhập
(LSO) – Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng, chăm sóc giống táo Đài Loan đã khắc phục được tình trạng khô hạn, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Toàn huyện Hữu Lũng có hơn 110 ha trồng táo, tập trung chủ yếu tại các xã: Nhật Tiến, Đồng Tân, Cai Kinh, Tân Thành, Hồ Sơn, thị trấn Hữu Lũng. Trong đó, 95,3 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 7,86 tấn/ha.
So với các tỉnh đồng bằng, năng suất táo của huyện Hữu Lũng rất thấp. Nguyên nhân là nông dân trên địa bàn huyện tự tìm hiểu và trồng thử, do đó, chất lượng cây giống không được kiểm soát. Quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh chưa được hoàn thiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Cùng đó, một số hộ đã đưa giống táo Đài Loan về trồng lại gặp phải một số vấn đề như: đất dốc, khô hạn, đất không chủ động được nước tưới. Đặc biệt, thời gian khô hạn kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau trùng với thời kỳ cây phân hóa mầm, ra hoa, đậu quả nên ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng quả.
Nông dân xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc táo Đài Loan
Khắc phục những vấn đề này, từ tháng 10/2015 đến 10/2018, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu rau quả (Gia Lâm, Hà Nội) do bà Lê Thị Mỹ Hà làm trưởng nhóm đã triển khai đề tài ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh giống táo Đài Loan tại huyện Hữu Lũng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nhóm đã lựa chọn giống táo Đài Loan ĐL – BG1 cho các hộ nông dân trồng thử. Đây là giống táo có khả năng chịu úng, chịu hạn cao, sau trồng 1 năm đã cho thu hoạch. Quả có mẫu mã đẹp, khi chín có màu vàng tươi, quả giòn, ngọt, nhiều nước, đặc biệt, lúc chưa chín, quả không bị nhớt, thời gian thu hoạch kéo dài từ trước tết nguyên đán sang tháng Giêng, tháng 2 âm lịch.
Bà Lê Thị Mỹ Hà, cán bộ Viện nghiên cứu rau quả cho biết: Để khắc phục sự khô hạn và sâu bệnh, chúng tôi sử dụng chất giữ ẩm Polime siêu hấp thụ nước AMS – 1, đây là vật liệu có tính giữ ẩm cao nên có thể bổ sung độ ẩm cho đất, giúp cây sinh trưởng ổn định vào những tháng khô hạn. Cùng đó, thời điểm cây ra nụ, ra quả sử dụng vi chất kích thích tăng trưởng, phân bón lá nhằm tăng khả năng ra hoa, đậu quả. Cây giống được nhân bằng phương pháp ghép, mật độ 500 cây/ha. Thời kỳ cây xuất hiện sâu bệnh, chủ động phòng trừ bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ đó, vườn táo mô hình thâm canh cho quả sáng đẹp, đồng đều về mẫu mã và chất lượng.
Triển khai đối chứng với vườn táo được nông dân chăm sóc theo phương pháp thông thường cho thấy: cây 2 năm tuổi cho năng suất 18,3 tấn/ha, giá bán trung bình tại vườn 14.000 đồng/kg. Tổng thu nhập trên 1 ha là 256,2 triệu đồng, trừ chi phí, nông dân thu lãi thuần 184,9 triệu đồng; so với vườn đối chứng chăm sóc theo phương pháp thông thường thì cho thu nhập cao hơn 49 triệu đồng/ha.
Ông Đàm Văn Quyền, xã Hồ Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Nhờ gia đình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng và chăm sóc táo Đài Loan nên vườn táo của gia đình cho quả sáng đẹp, ngọt và to hơn táo của các hộ xung quanh, vì thế thu nhập cũng cao hơn.
Thời gian qua, huyện Hữu Lũng đã chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp, đăng ký nhãn hiệu tập thể của huyện như: măng bát độ, na, táo… giống táo Đài Loan sẽ tạo ra thêm một sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho nông dân. Từ đề tài này, quy trình trồng và chăm sóc giống táo Đài Loan (ĐL – BG1) đã được phổ biến rộng rãi cho nông dân trên địa bàn huyện, bước đầu đã có một số hộ áp dụng tại mô hình của gia đình.
Ý kiến ()