Ứng dụng thành công kỹ thuật mới điều trị hiếm muộn
Hôm nay (6/4), PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia vừa thực hiện ca mổ cho nữ bệnh nhân hiếm muộn do tắc vòi tử cung bằng kỹ thuật nong vòi tử cung bằng catherter qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng. Đây là bệnh nhân thứ hai thực hiện kỹ thuật này.
Kỹ thuật nong vòi tử cung bằng catherter qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng là kỹ thuật hiện đại đầu tiên được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương áp dụng thành công tại Việt Nam. Trước đây với những bệnh nhân hiếm muộn do tắc vòi tử cung đều phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, bệnh lý vòi tử cung là nguyên nhân thường gặp nhất và chiếm khoảng 25-35% những trường hợp hiếm muộn nữ. Theo một số nghiên cứu gần đây, tại Việt Nam tỷ lệ hiếm muộn do vòi tử cung vào khoảng 43-59%. Trong đó, hiếm muộn do tắc đoạn gần vòi tử cung (đoạn kẽ, đoạn co) chiếm khoảng 15-25%.
Hiện nay có nhiều phương pháp để điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, nhưng không ít phương pháp còn gặp nhiều khó khăn, cả về kỹ thuật và kinh tế.
Nhiều trường hợp hiếm muộn do tắc vòi tử cung tại Việt Nam đã từng được phẫu thuật bằng nội soi, tạo hình vòi tử cung bằng mổ vi phẫu, mổ bằng vi phẫu nội soi, nội soi buồng tử cung kết hợp nội soi ổ bụng,… nhưng kết quả chưa cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, trong điều trị hiếm muộn, khó nhất là nguyên nhân do tắc đoạn kẽ tử cung, vì đa số trường hợp này chỉ có giải pháp duy nhất là thụ tinh trong ống nghiệm. Một ca thụ tinh ống nghiệm hiện nay có kinh phí quá lớn. Có người bệnh phải nỗ lực kiếm tiền, đến 5-10 năm sau mới đủ kinh phí làm thụ tinh ống nghiệm, nhưng đến lúc đó, buồng trứng đã bị suy.
Kỹ thuật nong vòi tử cung bằng catherter qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng hiệu quả tốt trên người bệnh hiếm muộn do tắc đoạn gần vòi tử cung. Phẫu thuật có kiểm soát qua nội soi ổ bụng nên sẽ ít xảy ra những tai biến như thủng vòi tử cung, chảy máu, viêm phúc mạc sau nong… Chi phí cho một ca phẫu thuật khá phù hợp, giúp cho nhiều đối tượng bệnh nhân dễ tiếp cận.
“Sau một năm phẫu thuật xử lý tắc vòi tử cung đoạn kẽ bằng nội soi, tỷ lệ có thai khá cao. Thêm nữa, kỹ thuật này có thể triển khai ở tuyến tỉnh bằng việc đào tạo cho các phẫu thuật viên có kinh nghiệm, có kỹ năng tốt về nội soi”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Ý kiến ()