Ứng dụng phương pháp khoa học thâm canh cây hồi bền vững
Người dân xã Xuân Mai, huyện Văn Quan vệ sinh rừng hồi sau thu hoạch |
Toàn tỉnh có gần 36.000 ha hồi, tập trung chủ yếu ở các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định, Cao Lộc. Từ năm 2010 về trước, cây hồi chủ yếu được người dân thâm canh tự nhiên, ít được chăm sóc. Quá trình sinh trưởng và phát triển của cây dựa vào thiên nhiên nên ít nhiều bị thoái hóa, sản lượng chưa thực sự cao. Ở một số nơi, cây hồi còn bị sâu bệnh gây hại làm giảm năng suất, chất lượng.
Từ năm 2010 đến nay, một số nghiên cứu khoa học đã được triển khai, áp dụng nhằm mục tiêu sản xuất hồi đảm bảo tính bền vững, lâu dài, cho hiệu quả. Giai đoan 2010 – 2013, đề tài khoa học cấp bộ mang tên “Hợp tác nghiên cứu cải tạo rừng hồi năng suất thấp và ứng dụng kỹ thuật chế biến sản phẩm hồi tại Lạng Sơn” đã được thực hiện. Đề tài nghiên cứu 5 chuyên đề gồm: đánh giá bổ sung thực trạng rừng hồi của Lạng Sơn; nhân giống hồi bằng phương pháp ghép; nghiên cứu sự ảnh hưởng của sử dụng chế phẩm sinh học đến năng suất hồi; các biện pháp cải tạo rừng hồi; quy trình chưng cất tinh dầu hồi đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Sau khi nghiên cứu trên quy mô 20 ha cho thấy: năng suất rừng hồi tăng 30% so với đối chứng.
Từ năm 2015 – 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện Văn Quan thực hiện Dự án “Thâm canh cây hồi bền vững” với quy mô 10 ha tại xã Xuân Mai, huyện Văn Quan. Ông Mã Văn Trưởng, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Văn Quan cho biết: Cây hồi triển khai trong dự án có độ tuổi từ 10 – 40 tuổi. Dự án nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong thâm canh gồm: trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hái.
Qua nghiên cứu, ứng dụng, một số kỹ thuật khoa học cơ bản trong thâm canh hồi được chuyển giao đến các hộ dân. Trong đó, chọn giống là quan trọng, do đó nên chọn cây mẹ có tiểu sử sai quả, có lá dày màu xanh đậm và nõn màu xanh. Khi trồng nên đảm bảo mật độ cây cách cây 5 m tương đương 380 – 400 cây/ha. Trong quá trình cây hồi phát triển, cho thu hoạch rất cần chăm sóc đúng kỹ thuật. Trước hết cần vệ sinh rừng hồi bằng cách tỉa cành đổ gãy, nhiễm sâu bệnh. Sau đó dọn sạch thực bì xung quanh cây hồi để cây có không gian tạo tán khi bắt đầu lên 3 tuổi. Với cây cho thu hoạch, sau thu hái cũng cần dọn sạch thực bì, bỏ cành, lá rơi rụng và cỏ rác ra khỏi rừng hồi.
Ông Chu Văn Tả, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Văn Quan cho biết: Để cây hồi sai quả không chỉ áp dụng các kỹ thuật trên mà còn phải biết chăm sóc đúng cách. Trong 1 năm cần bón phân (NPK, phân chuồng) cho cây 3 đợt vào lúc sau thu hoạch (tháng 10, tháng 11 dương lịch), trước khi ra hoa (tháng 2, 3 dương lịch) và khi quả non hình thành (tháng 7, 8 dương lịch). Cùng với bón phân dưới gốc thì kết hợp dùng máy phun phân sinh học lên lá vào thời kỳ trước lúc cây ra hoa rộ và hình thành quả non. Trong quá trình thâm canh nên thăm rừng thường xuyên. Khi phát hiện các loại sâu, bệnh như bọ ánh kim, sâu đục nõn, nấm cành lá… gây hại cần tiến hành phun kịp thời các thuốc đặc trị.
Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học trong trồng, chăm sóc mà chất lượng rừng hồi, năng suất hồi đạt kết quả vượt trội so với cách thâm canh truyền thống dựa vào yếu tố thiên nhiên. 100% diện tích rừng hồi áp dụng quy trình khoa học sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh gây hại. Năng suất đạt từ 2,4-2,76 tạ/ha, tăng 0,4 – 0,46 tạ/ha so với trồng theo cách tự nhiên. Ông Chu Văn Tiếp, thôn Bản Cưởm, xã Xuân Mai (Văn Quan) cho biết: “Áp dụng quy trình kỹ thuật giúp 1 ha rừng hồi tham gia dự án của gia đình tôi đem lại kết quả rõ rệt. Trước năm 2015, do không chăm sóc chỉ biết thu hái và để cây phát triển tự nhiên nên cây ra hoa không đều, không sai quả. Hai năm gần đây thì khác, lá cây luôn xanh đậm, hoa hồi nở với kích thước đồng đều, cây không còn bị rụng hoa và rụng quả, cây nào cũng sai quả. Riêng vụ hồi năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 3,5 tấn quả, tăng gấp đôi so với trước. Nếu bán với giá hiện nay trên 10.000 đồng/kg thì vụ này cũng thu được gần 40 triệu đồng”.
Các kỹ thuật và phương pháp thâm canh cây hồi bền vững đang tiếp tục được các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng phổ biến đến người trồng hồi trong toàn tỉnh.
Ý kiến ()